Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ đã được Hội LHPN huyện cụ thể hóa bằng các nghị quyết của các kỳ đại hội và kế hoạch công tác trong từng năm. Trong 5 năm qua, 25/25 cơ sở Hội tiếp tục triển khai chương trình “Vì việc làm cho lao động nông thôn” tới 100% chi Hội Phụ nữ. Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH huyện, Trung tâm dạy nghề của huyện, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh tổ chức 56 lớp dạy nghề cho 2.516 hội viên phụ nữ ở các xã, sau dạy nghề đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tạo việc làm cho 1.986 chị. Không chỉ góp phần tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo của huyện, Hội còn kết hợp công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn với việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội như ưu tiên đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khuyết tật và phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng...
Nghề dệt chiếu tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ xã Nghĩa Trung. |
Trong những năm gần đây, hoạt động dạy nghề của Hội đã hướng mạnh về địa bàn cơ sở và luôn được gắn với hỗ trợ tạo việc làm. Các lớp dạy nghề tại địa bàn được thực hiện trên cơ sở đặc điểm về tiềm năng nguyên liệu, ngành nghề của địa phương; tạo điều kiện cho cả nữ thanh niên và phụ nữ tuổi trung niên tham gia học. Nhiều cơ sở dạy nghề của Hội đã liên kết đào tạo nghề, giới thiệu lao động nữ cho các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động khai thác các nguồn vốn Quỹ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; đặc biệt là việc phát huy nội lực từ nguồn tiết kiệm của phụ nữ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Hiện nay, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đang quản lý trên 155 tỷ đồng vốn (tăng 30,4% so với đầu nhiệm kỳ), giúp cho trên 6.000 phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống trong đó 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ có điều kiện vay vốn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống dưới 3%. Các cấp Hội còn tăng cường phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 130 lớp tập huấn cho 38.175 hội viên phụ nữ kiến thức chuyển giao KHKT, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, hỗ trợ chị em phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhiều phụ nữ mạnh dạn áp dụng phương thức làm ăn mới KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia vào các hoạt động khuyến nông do các cấp Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Nguyễn Thị Bích, xã Nghĩa Hải là hội viên làm kinh tế giỏi từ nghề nuôi trồng thuỷ, hải sản, mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của xã; chị Vũ Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thịnh không những là cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm mà còn làm kinh tế giỏi, gia đình chị cấy 12 mẫu lúa, thường xuyên nuôi 400-500 con vịt và có 2 ao nuôi cá thương phẩm...; chị Nguyễn Thị The, xã Hoàng Nam có trang trại nuôi gà công nghiệp, mỗi lứa nuôi từ 5.000-7.000 con, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm mỗi năm thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, giải quyết cho 10-15 lao động có việc làm thường xuyên và giúp cho 40 hộ gia đình cùng phát triển chăn nuôi. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, Hội LHPN huyện phối hợp với Hiệp hội Nữ doanh nhân huyện và các CLB “Nữ chủ doanh nghiệp”, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi sự, quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng, tổ chức đối thoại trực tiếp với lãnh đạo chính quyền và các ngành chức năng. Nhờ đó, đội ngũ nữ chủ doanh nghiệp, nữ tiểu thương trong huyện ngày càng năng động, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu xã hội để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp thành đạt, giải quyết việc làm và bảo đảm thu nhập cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Điển hình như: chị Trần Thị Hoa, chủ doanh nghiệp Hoa Đạm (Thị trấn Liễu Đề); chị Phạm Thị Huệ, chủ doanh nghiệp Cảnh Huệ (xã Nghĩa Trung).