Nghĩa Hưng là huyện ven biển được bao bọc bởi 3 con sông lớn là sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ, phía nam là biển. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan, dị thường, trong đó tần suất và số lượng các cơn bão mạnh, siêu bão ngày càng tăng lên, huyện đã chủ động các phương án phòng chống thiên tai (PCTT) trong mùa mưa bão năm nay.
Toàn huyện Nghĩa Hưng có 101,6km đê, trong đó có: 66,8km đê sông; 26,3km đê biển và 8,5km đê biển Cồn Xanh. Huyện có 5 bối; trong đó 4 bối có trên 1.400 hộ dân sinh sống là các bối: Đại Hải xã Nghĩa Thịnh, Phù Sa Thượng xã Hoàng Nam, nam Quần Liêu xã Nghĩa Sơn, Ngọc Lâm xã Nghĩa Hải. Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, các tuyến đê sông của huyện đã từng bước được nâng cấp, hoàn thiện nhưng phần lớn chưa đủ mặt cắt thiết kế. Nhiều đoạn mặt đê đã được cải tạo song đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, hộ đê. Đoạn đê hữu Ninh Cơ từ K26+680 đến K40+580 (thuộc địa phận các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong) cao trình thấp. Các tuyến đê khác nhiều đoạn sát chân đê là thùng đào, thùng đấu, ao hồ, bãi hẹp hoặc chân đê không có bãi; mặt khác do kinh phí đầu tư hằng năm hạn hẹp nên chỉ tu sửa ở những đoạn đê, kè xung yếu nhằm bảo vệ kịp thời phòng chống mỗi mùa lũ, bão. Các tuyến đê biển thuộc địa bàn 6 xã, thị trấn: Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Rạng Đông, Nam Điền, Nghĩa Hải đã và đang được nâng cấp, tuy nhiên ở những đoạn chưa được nâng cấp, cao trình đê thấp, thân đê đắp bằng cát bọc đất thịt nên thường xuyên bị xói mòn, sạt lở mái khi mưa bão, nước biển dâng. Các cống dưới đê có khẩu độ từ 1-1,8m, nằm trên triền sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và đê biển, nhìn chung chất lượng các công trình đảm bảo yêu cầu tưới tiêu nước và phòng chống lũ, bão ở cấp độ thấp. Hệ thống thủy nông trong toàn huyện nằm ở vùng ảnh hưởng thủy triều, các kênh mương hằng năm bị phù sa bồi lắng nhiều ảnh hưởng trực tiếp việc tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước PCTT. Một số cửa cống hằng năm tuy được nạo vét song vẫn bị phù sa bồi lắng nhanh, đặc biệt như cống Quần Vinh 2, ảnh hưởng đến việc tiêu nước phục vụ sản xuất.
|
Thi công kè Hạ Kỳ thuộc đê tả sông Hồng, xã Nghĩa Thịnh. |
Hiện nay, các cấp, ngành, các xã, thị trấn trong huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy (BCH) PCTT-TKCN, xây dựng phương án PCLB, giảm nhẹ thiên tai. Xác định công tác PCTT-TKCN là nhiệm vụ trọng tâm, BCH PCTT-TKCN huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các đoàn thể trên địa bàn tránh tư tưởng chủ quan; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện trong công tác PCTT-TKCN. Huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công đắp đê, làm kè thuộc kế hoạch tu bổ đê điều thường xuyên năm 2016 hoàn thành trước thời gian quy định. Đẩy nhanh tiến độ các dự án PCTT của Trung ương và tỉnh trên địa bàn huyện như: Dự án xây dựng khẩn cấp các đoạn đê, kè xung yếu tuyến đê biển Nam Định giai đoạn III; dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy; dự án cải tạo, nâng cấp khẩn cấp tuyến đê tả Đào từ K18+656 đến K30+073; xây dựng công trình xử lý cấp bách kè Chi Tây đoạn từ K196+900 đến K197 và đoạn từ K197+660 đến K198+220… Các công trình thuỷ nông như: xây mới, sửa chữa các công trình xây đúc, nạo vét kênh mương, đắp bờ khoanh vùng chống úng theo kế koạch đã được hoàn thành trong quý I-2016. Sau khi kiểm tra hiện trạng công trình trước mùa lũ bão năm nay, BCH PCTT-TKCN huyện duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm; phương án phòng chống úng; quy trình vận hành các bối; phương án sơ tán dân và phương án bảo vệ đê toàn tuyến. Về trọng điểm cấp tỉnh trên địa bàn huyện có: đê hữu sông Ninh Cơ đoạn từ K26+680 đến K40+580 qua 3 xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong. Trọng điểm cấp huyện gồm: đê, kè biển xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc từ K7+400 đến K8+447; các cống: Chi Tây, Phú Giáo, Quần Khu, Thanh Hương. BCH PCLB-TKCN huyện cũng chỉ đạo các xã có đê bối phải xây dựng phương án sơ tán dân và quy trình vận hành bối theo quy định, phương án khắc phục hậu quả thiên tai; phương án cứu hộ, cứu nạn ở những vùng đê xung yếu trên cả tuyến đê sông và đê biển. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nghĩa Hưng cùng với các xã, thị trấn: Nghĩa Đồng, Quỹ Nhất, Nghĩa Bình, Nghĩa Hùng, Nghĩa Sơn xây dựng phương án bảo vệ, theo dõi chặt chẽ các cống xung yếu như: Cốc Thành (cũ), Chi Tây, Thanh Hương, Phú Giáo, Quần Khu và cống đê Nam Quần Liêu xã Nghĩa Sơn. Bên cạnh đó, huyện đề nghị Ban quản lý dự án xây dựng NN và PTNT (Sở NN và PTNT) chỉ đạo các đơn vị thi công đê, kè trên địa bàn huyện xây dựng phương án PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, kết hợp với địa phương đảm bảo an toàn trong mùa lũ bão. Sau khi kiểm tra hệ thống đê điều, duyệt phương án bảo vệ trọng điểm; UBND tỉnh và huyện đã bổ sung vật tư dự trữ cho các trọng điểm là: 10.213m
3 đá hộc, 85m
3 đá dăm, 364 rọ thép, 15.206m
2 vải lọc, 37.200 bao ni lông, 89.667m
2 bạt chống tràn... Các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như: tre, chà rào... đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định; phương tiện vận tải như: xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư, nhân lực khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình trong toàn huyện chuẩn bị 2 bao tải, 2 cây, cọc tre dài từ 2,5m trở lên; các hộ ven đê chuẩn bị thêm 2 bao đất, dụng cụ quang gánh, cuốc, xẻng, mai, móng sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Hiện các đơn vị đã chuẩn bị tốt hậu cần phục vụ công tác hộ đê PCTT-TKCN, chuẩn bị phương án xử lý tình huống khẩn cấp, đảm bảo sinh hoạt vật chất, điều kiện y tế cho lực lượng hộ đê, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong vùng lũ lụt. Vừa qua, Ban CHQS huyện phối hợp với Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê, UBND các xã, thị trấn tổ chức diễn tập phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và TKCN năm 2016 tại xã Nghĩa Đồng với tình huống diễn tập phù hợp với thực tiễn qua đó rút kinh nghiệm, củng cố hoàn thiện phương án, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác PCTT-TKCN.
Hiện nay, huyện Nghĩa Hưng yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra rà soát các bãi vật liệu, các công trình xây dựng trên bãi sông. Kiểm tra, thống kê, phân loại các trường hợp vi phạm, xây dựng phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, trong đó tập trung xử lý, giải toả ngay những công trình xây dựng trái phép vi phạm hành lang đê điều, cản trở dòng chảy kênh mương và hành lang thoát lũ trên các tuyến sông. Ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật PCTT, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thuỷ lợi. Đồng thời, huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê kè, để phục vụ PCTT đạt hiệu quả cao. Với sự chuẩn bị chu đáo, huyện Nghĩa Hưng quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra khi mùa mưa bão đang đến gần./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh