Thực hiện chương trình xây dựng NTM trong 5 năm qua, công tác đào nghề, nâng cao chất lượng lao động nông thôn (LĐNT) ở các địa phương trong tỉnh được triển khai rộng rãi và đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
|
Cty CP Dệt may Sơn Nam tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động. |
Để thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 24-6-2010, về việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đảng viên trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án 1956. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Nam Định đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các địa phương tuyên truyền thông qua các buổi tập huấn, hội thảo chuyên đề, phát tài liệu nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề. Các cơ sở dạy nghề tổ chức quảng bá, tư vấn học nghề và việc làm cho người lao động các xã, thị trấn; tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu công tác dạy nghề cho LĐNT. Hằng năm, các huyện, thành phố đều tiến hành điều tra nắm bắt nhu cầu học nghề của từng xã, từng vùng, xây dựng kế hoạch tổ chức mở lớp đào tạo nghề tại chỗ phù hợp với trình độ văn hoá, điều kiện người lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đào tạo nghề cho người lao động được gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, ưu tiên lao động là đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp do xây dựng các khu, CCN, các công trình công cộng… Với đặc thù LĐNT trình độ không đồng đều nên phương pháp đào tạo luôn chú trọng phương châm “học đến đâu thực hành ngay đến đó”. Ban đầu, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các địa phương tổ chức thí điểm 7 mô hình dạy nghề cho LĐNT, gồm 4 mô hình dạy nghề nông nghiệp và 3 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp; huyện Giao Thủy triển khai điểm 2 lớp dạy nghề mây tre đan, nghề thêu ren xuất khẩu, mỗi lớp dạy nghề 35 học viên. Kết quả dạy nghề thí điểm, các học viên sau khóa học nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản và có trên 90% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Điển hình là lớp dạy nghề cơ khí, hàn do Trường Cao đẳng nghề Nam Định tổ chức, cả 35 học viên sau khi hoàn thành khóa học đã được Cty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (TP Nam Định) tiếp nhận làm việc, với mức lương 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như: Nuôi trồng thủy sản, tổ chức tại xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc); chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tổ chức tại xã Phương Định (Trực Ninh), người lao động sau khi tham gia khóa học đã mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập cao so với trước khi học nghề. Từ kết quả tổ chức điểm các lớp dạy nghề cho LĐNT, Sở LĐ-TB và XH đã rút kinh nghiệm để triển khai rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm học nghề, các huyện, thành phố điều tra nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường để sau khi tốt nghiệp, người học có cơ hội được các doanh nghiệp tuyển vào làm việc hoặc tự tạo việc làm tại chỗ. Ngoài ra, nhiều địa phương và cơ sở dạy nghề còn liên kết với doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận người lao động sau đào tạo. Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 lớp đào tạo nghề cho 35.200 LĐNT theo Đề án 1956. Các nghề đào tạo chủ yếu là: chăn nuôi gia súc, gia cầm (3.200 người), nuôi trồng thủy sản (2.160 người), sản xuất và chế biến nấm (trên 1.000 người), may công nghiệp (16 nghìn người), hàn (1.400 người), thêu ren (1.500 người)… Các lao động sau khi hoàn thành khóa học đều nắm được kiến thức kỹ năng nghề cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức vào sản xuất tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo. Tiêu biểu như anh Nguyễn Văn Chiến, ở huyện Trực Ninh theo học nghề nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch. Sau khi học nghề năm 2012, anh đã đầu tư nuôi cá truyền thống, cho thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Văn Sơn, ở huyện Giao Thủy trước đây làm ruộng, đời sống khó khăn. Sau khi được đào tạo nghề cơ khí hàn điện theo Đề án 1956, anh đã có việc làm, thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống gia đình dần ổn định. Anh Phạm Như Đăng, 37 tuổi, là người khuyết tật, cuộc sống phụ thuộc vào gia đình. Sau khi học nghề mộc dân dụng theo Đề án 1956, anh đã làm nghề với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, tỷ lệ người lao động sau học nghề có việc làm đúng nghề đào tạo đạt trên 80%. Cùng với thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, các huyện, thành phố đều quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp như hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề như quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng NTM. Các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản mỗi năm đầu tư 300-500 triệu đồng để tổ chức dạy nghề, truyền nghề, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Hải Hậu luôn chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi tư duy lao động sản xuất của người dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Kinh tế phát triển, các hộ đầu tư cải tạo nhà ở; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời tích cực đóng góp xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM, tạo nên sự đổi mới của bộ mặt nông thôn, xây dựng huyện Hải Hậu trở thành “Huyện NTM” năm 2015.
Với các giải pháp đồng bộ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tỉnh ta tăng từ 31,5% (năm 2010) lên 40,8% (năm 2015); nâng tỷ lệ LĐNT có việc làm thường xuyên từ 75% (năm 2010) lên 91% (năm 2015). Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 65,8% (năm 2010) xuống 60,8% (năm 2015). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người (năm 2010) lên 35 triệu đồng/người (năm 2015). Riêng 112 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2015, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16,43 triệu đồng/người (năm 2010) lên 37 triệu đồng/người (năm 2015). Lực lượng lao động qua đào tạo có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Người lao động sau khi được đào tạo nghề đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí NTM. Những kết quả đạt được của công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở các địa phương, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Minh Tân