Khẩn trương gỡ khó trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo

05:06, 25/06/2016
Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo giai đoạn 1, toàn tỉnh đã hỗ trợ 5.530 hộ nghèo xây dựng nhà ở với tổng kinh phí là 69 tỷ 170 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp, lồng ghép tổ chức các chương trình hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở khác. Giai đoạn 1 (2011-2015), toàn tỉnh đã có 672 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở, 354 hộ được sửa chữa nhà, đảm bảo sống ổn định lâu dài. 
 
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, mức hỗ trợ 7,2 triệu đồng/hộ cấp phát trực tiếp chưa thực sự tạo động lực giúp các hộ khó khăn về nhà ở cải tạo để căn nhà đảm bảo theo tiêu chí “3 cứng”. Bởi lẽ, giá trị xây dựng thực tế mỗi căn nhà bình quân từ 30-40 triệu đồng. Như vậy, các hộ phải huy động thêm nhiều mới có thể thực hiện được. Trong khi trên thực tế việc huy động thêm của nhiều hộ nghèo khó khả thi nên nhiều hộ, nhiều địa phương khó khăn chưa thể thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Do đó, giai đoạn 1, dù có khó khăn về nhà ở nhưng nhiều hộ nghèo không thể tham gia chương trình trên. Bước vào giai đoạn mới 2016-2020, để tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở giảm bớt khó khăn, đảm bảo an cư lập nghiệp, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tiếp nối chương trình hỗ trợ hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2015. Theo Quyết định 33, đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, có trong danh sách hộ nghèo do UBND xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 5 năm. Đồng chí Bùi Đức Cần, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) cho biết: Theo Quyết định 33, các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn sẽ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng CSXH để xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Nguồn vốn vay do Ngân sách Trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng CSXH; 50% còn lại do ngân hàng huy động. Với mức vay và các ưu đãi về lãi suất này, triển khai Quyết định 33 sẽ có ý nghĩa to lớn, tạo chuyển biến lớn về an sinh xã hội, đồng thời khích lệ các hộ nghèo nỗ lực huy động vốn để cải tạo, sửa chữa nhà ở. Đối với hộ nghèo ở nông thôn khi đã có nhà ở an toàn, ổn định sẽ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Triển khai thực hiện các chương trình cũng khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Để có kế hoạch tổng thể bảo đảm thực hiện hiệu quả từ chương trình, ngành chức năng đã thống kê, rà soát tổng số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở và tổng hợp số hộ nghèo có nhu cầu đăng ký vay vốn. Cụ thể, toàn tỉnh có 22.189 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở là 2.202 hộ (chiếm gần 10% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Theo báo cáo tổng hợp của các huyện, tổng số hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 tự nguyện đăng ký vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 33 là 1.761 hộ. Trong đó, huyện Nam Trực (328 hộ), Hải Hậu (291 hộ), Vụ Bản (257 hộ), Nghĩa Hưng (178 hộ), Giao Thủy (180 hộ), Xuân Trường (103 hộ), Trực Ninh (190 hộ), Mỹ Lộc (40 hộ), Ý Yên (172 hộ), Thành phố Nam Định (22 hộ). Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành khuyến khích các địa phương hỗ trợ, đồng thời vận động người nghèo chủ động tìm kiếm nguồn huy động vốn kết hợp đẩy mạnh kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa để xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng nhân dân, đặc biệt trong mùa mưa bão. Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các huyện sắp xếp thứ tự ưu tiên hỗ trợ căn cứ trên thực trạng điều kiện khó khăn của các hộ nghèo, đồng thời hướng dẫn các thủ tục nghiệm thu công trình để tạo điều kiện cho các hộ đã đi vay ngoài để sửa chữa có thể được vay vốn bù từ Ngân hàng CSXH nhằm giảm gánh nặng trả lãi. Chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Trần Thị Khuyên ở thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) là một trong các hộ thuộc diện được hỗ trợ. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: “Hiện tại, kinh tế chính của gia đình 4 mẹ con tôi đều trông cậy cả vào tôi. Nhưng do sức khỏe không đảm bảo tôi không làm được nhiều, chỉ có thể mò cua, bắt ốc kiếm kế sinh nhai. Căn nhà mái tranh, vách đất đã xiêu vẹo và bị dột nặng mỗi khi mưa to gió lớn”. Khi biết gia đình mình được duyệt cho vay ưu đãi, dù nguồn vốn chưa phân bổ kịp về địa phương, tháng 11-2015, chị đã vay mượn từ các nguồn hơn 50 triệu đồng để xây mới nhà chính lợp mái tôn thường và lát nền. Tuy nhiên do ách tắc chính sách vốn nên hiện chị chưa được vay nguồn hỗ trợ, luôn canh cánh khoản nợ. Chung hoàn cảnh với chị Khuyên, gia đình anh Trần Quốc Huy ở thôn Nguyễn Huệ cũng vay mượn anh em trong gia đình và bà con xung quanh để cải tạo, sửa chữa ngôi nhà nhỏ vốn đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Vợ anh Huy cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn do chồng tôi sức khỏe kém, cả ba con còn nhỏ, trong đó một cháu bị liệt bẩm sinh. Nguồn thu chính của gia đình chỉ có hơn 1 sào ruộng nên tôi phải tất tả đi làm thêm đủ việc như phụ hồ, cấy gặt thuê để trang trải chi phí sinh hoạt. Gia đình không hề có tích lũy gì nên khi làm việc lớn như xây sửa chữa nhà đều phải vay mượn ngoài với lãi suất cao. Chúng tôi mong được sớm vay ưu đãi để giảm bớt gánh nặng trả lãi ngoài”. 
Nghiệm thu nhà xây mới của gia đình chị Trần Thị Khuyên tại thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).
Nghiệm thu nhà xây mới của gia đình chị Trần Thị Khuyên tại thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc).
Theo đề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, tiến độ huy động vốn cho chương trình này năm 2016 tại tỉnh ta ước 6,4 tỷ đồng, năm  2017 ước 12,8 tỷ đồng, năm 2018 ước 16 tỷ đồng, năm 2019 ước 16 tỷ đồng với mục tiêu chấm dứt, không để tồn tại nhà nguy hiểm, hư hỏng nặng trước ngày 30-6-2019; dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu huy động được 12,8 tỷ đồng để sửa chữa nhà cho các gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai các chương trình nhà ở cho người nghèo không đảm bảo theo kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do việc bố trí vốn, cân đối nguồn vốn từ Trung ương gặp nhiều vướng mắc. Theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28-8-2015 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14-9-2015 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 thì toàn bộ kinh phí Trung ương cho chương trình này không thuộc danh mục được phân bổ từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 mà chuyển về cho ngân sách địa phương tự cân đối theo kiến nghị của Bộ KH và ĐT, Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên theo cơ quan liên quan, nếu chuyển từ Ngân sách Trung ương về cho các địa phương tự cân đối thì các địa phương, nhất là đối với các huyện, xã nghèo, sẽ rất khó khăn trong việc bố trí vốn, sẽ tạo ra sự không công bằng giữa cùng đối tượng thụ hưởng ở các địa phương, cũng như thiếu thống nhất trong việc tổ chức thực hiện dẫn đến những phản ứng chính sách không tốt trong các đối tượng thụ hưởng. Ngoài ra, tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương sẽ tập trung nguồn lực vào các mục tiêu khác nhau, dẫn đến việc triển khai các chương trình có thể bị kéo dài, không đảm bảo tiến độ kế hoạch, ảnh hưởng đến công tác an sinh xã hội. Mặt khác, các chương trình này đều đã triển khai trước khi Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg được ban hành. Vì vậy, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết và Quyết định trên. Bên cạnh đó, phần lớn đối tượng hưởng thụ chính sách tập trung tại các địa bàn có nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách ít, khả năng tự cân đối thấp hoặc không thể tự cân đối được ngân sách. Hiện tại, Bộ Xây dựng đã có Văn bản kiến nghị số 1017/BXD-QLN ngày 30-5-2016 trình Thủ tướng Chính phủ sớm có hướng giải quyết vướng mắc này vì chương trình nhà ở người nghèo không phải là chương trình mục tiêu quốc gia mà là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Để triển khai đưa Quyết định 33/2015/QĐ-TTg vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thực tế góp phần đảm bảo tiến độ, đúng chính sách về an sinh xã hội theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, các bộ, ngành cần sớm tham mưu cho Chính phủ bố trí vốn Trung ương sớm theo kế hoạch của Đề án để giúp người dân nghèo có cơ hội vay vốn tín dụng ưu đãi thực hiện việc cải tạo nhà ở bảo đảm an toàn. Các địa phương cần chủ động đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện mục tiêu xóa nhà ở nguy hiểm, nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo an toàn người nghèo./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com