Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định mới về kinh doanh vận tải

08:05, 23/05/2016
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các đơn vị vận tải hành khách, hàng hoá bằng ô tô, tháng 9-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2014 (thay thế Nghị định 93/2012) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng đường bộ. Tiếp đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 63 về quản lý kinh doanh vận tải thực hiện quy hoạch luồng tuyến. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư về giá cước vận tải; phối hợp với Bộ VH, TT và DL ban hành quy định với xe du lịch; phối hợp với Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe...
 
Nhờ quyết liệt áp dụng các quy định quản lý trên, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có nhiều thay đổi tích cực, nề nếp hơn. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 86 vẫn còn một số bất cập. Một số điều kiện đưa ra chưa được thực hiện nghiêm túc như: xóa bến cóc, xe dù, đón khách trên cao tốc, người điều hành phương tiện, cơ quan tổ chức còn bất cập; TNGT giảm nhưng vẫn còn cao; môi trường cạnh tranh chưa thực sự lành mạnh; vẫn còn xe quá khổ, quá tải, xe quá niên hạn; xuất hiện mô hình kinh doanh mới như xe ứng dụng phương thức vận tải theo hợp đồng điện tử (Uber, Grab...) nhưng cơ chế chính sách chưa bao quát hết. Để thích ứng với yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn, nhưng cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển, Nghị định 86 đã được sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Cụ thể, từ 1-7-2016 một số quy định mới chính thức có hiệu lực như: xe taxi phải có thiết bị in hoá đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho hành khách. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được gắn phù hiệu theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, khách du lịch; vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc, xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên; bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300km trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau: 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại; từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo. Về số lượng phương tiện tối thiểu đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải có tối thiểu từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương; từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh. 
 
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị, đảm bảo đáp ứng quy định mới, thời gian qua Sở GTVT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp mọi đối tượng trong Nghị định 86 nắm rõ các quy định mới chính thức có hiệu lực từ 1-7-2016. Ngành GTVT chủ động tổ chức các hội thảo, trực tiếp đối thoại để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về những khó khăn khi thực hiện quy định mới, từ đó bàn các biện pháp khắc phục, tháo gỡ hiệu quả. Qua công tác tuyên truyền, đối thoại đã trực tiếp phân tích giúp doanh nghiệp hiểu rõ: Việc tăng cường áp dụng các quy định đối với doanh nghiệp do kinh doanh vận tải là ngành nghề có điều kiện, trước hết phải đảm bảo ATGT, tính mạng con người là trên hết. Để đáp ứng được yêu cầu về an toàn, chất lượng phục vụ phải đảm bảo các điều kiện như doanh nghiệp, đơn vị quản lý phải có bộ phận ATGT, phải lắp camera giám sát hành trình, người điều hành vận tải phải có trình độ, kinh nghiệm, 1 xe phải có ít nhất 2 tài xế khi chạy đường dài... Việc đưa ra yêu cầu về quy mô phương tiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân theo từng khu vực, nhất là ở các khu vực kinh tế của địa phương và doanh nghiệp còn khó khăn. Đặc biệt, yêu cầu về quy mô phương tiện được quy định ở mức tối thiểu, không phải tối đa, vì vậy các doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm lực kinh tế đầu tư thêm phương tiện tham gia cung cấp dịch vụ vận tải trên cơ sở nhu cầu đi lại của người dân. Để giúp doanh nghiệp thuận lợi, không bị nhũng nhiễu khi có nguyện vọng bổ sung, sửa đổi hồ sơ thủ tục cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh, Sở GTVT đã niêm yết công khai thông tin tại Trung tâm một cửa Văn phòng Sở và trên Trang thông tin điện tử của Sở. Các doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ cần nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng, tránh phải trả lại hồ sơ để bổ sung. Tổng cục Đường bộ Việt Nam dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào chương trình thực hiện cấp độ 4 của thủ tục cấp phù hiệu, triển khai xây dựng phần mềm cho hệ thống cấp phù hiệu toàn quốc, hạn chế tình trạng người làm thủ tục hành chính phải đến trực tiếp mà sẽ gửi hồ sơ qua hệ thống mạng, kết hợp với bưu điện, chuyển phát nhanh để hoàn thành thủ tục, tránh phát sinh những tiêu cực, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, để rút ngắn thời gian chờ đợi của nhóm doanh nghiệp mới thành lập, theo quy định, tối đa 2 ngày nếu hồ sơ đầy đủ, Sở GTVT sẽ căn cứ vào giấy hẹn đăng kiểm, đăng ký của Cảnh sát giao thông để giải quyết ngay cho doanh nghiệp, không nhất thiết phải có bản sao đăng ký kinh doanh, đăng kiểm. Ngành GTVT cùng khuyến cáo, đến thời điểm hiện tại, trên thị trường đã có trên 30 đơn vị cùng cạnh tranh cung cấp thiết bị giám sát hành trình dưới sự quản lý chặt của cơ quan quản lý Nhà nước nên đều khẳng định được thương hiệu. Về phía nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn dữ liệu đảm bảo chất lượng, đến nay ngành chức năng cũng đã công khai công bố về chất lượng truyền dẫn dữ liệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
 
Để tạo sự công bằng giữa các đơn vị chấp hành nghiêm và các đơn vị không chấp hành các quy định của Nghị định 86, đến thời điểm 1-7-2016, ngành GTVT kiên quyết tổ chức triển khai theo đúng lộ trình như: cấp phù hiệu xe tải, lắp thiết bị giám sát hành trình, đồng hồ in hoá đơn taxi… Đến ngày 1-7-2016, Bộ GTVT cũng thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện tất cả các quy định mới này và sẽ xử lý nghiêm các Sở GTVT và các cá nhân không thực hiện theo quy định của pháp luật. Để công tác quản lý vận tải đi vào nền nếp, sau ngày 1-7-2016, Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh của các phương tiện vận tải tại hiện trường, tạo hiệu ứng cho doanh nghiệp đáp ứng tốt yên tâm hoạt động, ngược lại sẽ xử lý và loại bỏ doanh nghiệp không đáp ứng quy định. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải cần lưu ý, cần khẩn trương tự kiểm tra và chủ động hoàn thiện đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định 86 trước ngày 1-7-2016./.
 
Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com