Cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

07:05, 26/05/2016
Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) hiện có 30 cán bộ, nhân viên, trong đó 65% có trình độ đại học, cao đẳng. Các giáo viên được đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật và đều có tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Được sự quan tâm của tỉnh và Bộ LĐ-TB và XH, những năm qua, Trung tâm đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động như: khu phục hồi chức năng; bổ sung trang thiết bị dạy nghề may, nghề mộc với quy mô dạy nghề mỗi khoá cho 70 trẻ khuyết tật. 
Lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH).
Lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh (Sở LĐ-TB và XH).
Đồng chí Vũ Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy chữ cho 72 trẻ khuyết tật, trong đó có 52 trẻ có khả năng học nghề, các em đều bị khuyết tật với các dạng về nghe, nói, nhìn, khả năng đi lại, trí tuệ. Trong khi đó, phần lớn các gia đình có trẻ khuyết tật kinh tế khó khăn, trước khi đến Trung tâm hầu hết đều chưa được học chữ. Vì vậy khi đến Trung tâm, các em vừa học nghề, vừa học chữ, vừa được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh và được hướng dẫn cách giao tiếp, kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Trẻ được học tập, vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý. Mỗi trẻ đều có sổ theo dõi sức khoẻ và một kế hoạch giáo dục riêng. Mọi diễn biến về sức khoẻ thể chất và tâm lý của các em đều được giáo viên và bác sĩ của Trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Trung tâm xác định, việc đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật sẽ giúp các em có việc làm, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Hiện nay, Trung tâm tổ chức đào tạo nghề may và nghề mộc mỹ nghệ cho trẻ khuyết tật với 4 lớp dạy nghề may, mỗi lớp 12-15 cháu và 2 lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ, mỗi lớp 7-8 cháu. Đội ngũ giáo viên của Trung tâm đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy, gắn học lý thuyết với thực hành và tận tình hướng dẫn các em từng kỹ năng, thao tác. Cô Nguyễn Thị Hồng, chủ nhiệm lớp May 3 tâm sự: “Dạy cho trẻ khuyết tật vất vả lắm, vì các em không nghe được hoặc không có khả năng nhận thức nhanh như trẻ bình thường; có khi mất cả ngày chỉ dạy được cho trẻ một thao tác, nên phải thật kiên nhẫn. Nhiều khi, các em về nhà chơi vài ngày, trở lại Trung tâm thì quên, cô phải dạy lại. Song mỗi một tiến bộ của các cháu là niềm vui, là nguồn động viên của cả cô và trò!”. Không chỉ bằng tinh thần trách nhiệm mà đội ngũ giáo viên của Trung tâm đã dành cả tình thương của người cha, người mẹ cho trẻ khuyết tật; vỗ về, động viên các em nỗ lực vượt qua khó khăn, kiên trì học tập. Bên cạnh đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa học thực hành gắn với sản xuất đã tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật tích cực và không ngừng nâng cao tay nghề, đồng thời cũng đã tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc ăn ở của trẻ. Hằng năm, phần lớn các em đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, trong đó tỷ lệ đạt khá, giỏi luôn chiếm trên 70%. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm và thu nhập ổn định. Tiêu biểu như các em: Nguyễn Hồng Sơn, 16 tuổi, quê xã Liên Bảo (Vụ Bản), bị câm điếc bẩm sinh, đang học lớp may 3, sau 2 năm học, đến nay em đã may thành thục áo sơ mi. Em Phạm Thành Công, 20 tuổi, ở xã Lộc An (TP Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khi hoàn thành khóa học may 3 năm ở Trung tâm, em làm việc tại Cty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, TP Nam Định), có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, tự trang trải cuộc sống và còn phụ giúp bố mẹ. Em Phạm Văn Tình, ở xã Hoành Sơn (Giao Thủy), 18 tuổi, bị điếc bẩm sinh. Tình đi học đến lớp 4 thì nghỉ vì không theo kịp các bạn. Em chọn học nghề mộc mỹ nghệ ở Trung tâm. Sau thời gian học nghề, em đã được một cơ sở mộc tư nhân ở Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) nhận vào làm với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng... 
 
Trong 3 năm qua, Trung tâm Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh đã đào tạo nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 41 học sinh hoàn thành khóa học. Với trình độ và kỹ năng nghề được đào tạo, cuộc sống của trẻ khuyết tật đã thay đổi rất nhiều; các em có việc làm, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Trung tâm thực sự là nơi chắp cánh cho những thanh, thiếu niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Theo số liệu của Sở LĐ-TB và XH, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 2.200 trẻ em bị khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ khuyết tật nặng, không được đến trường, trong khi các em vẫn có khả năng tiếp thu, có khả năng lao động. Đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật nhằm giúp các em có việc làm, thu nhập, có thể nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trẻ khuyết tật còn tự ti, mặc cảm, gây trở ngại cho quá trình hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn “ngại” nhận các em khuyết tật vào làm vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của người khuyết tật, rất cần có thêm tình yêu thương và sự quan tâm của cộng đồng và xã hội, tiếp cho họ niềm tin, nghị lực hòa nhập cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com