Những năm qua, hệ thống thư viện ở huyện Vụ Bản đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc. Qua đó, phong trào đọc sách của các địa phương trong huyện luôn được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân.
|
Cán bộ Thư viện huyện Vụ Bản sắp xếp, phân loại đầu sách nhằm phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc. |
Hiện tại, Thư viện huyện Vụ Bản có trên 5.000 bản sách, bao gồm: sách tổng hợp, báo, tạp chí, sách ngoại văn, sách thiếu nhi… Bình quân mỗi tuần Thư viện huyện có gần 100 lượt bạn đọc đến thư viện đọc sách, báo, tra cứu thông tin. Do phần lớn bạn đọc là học sinh nên những năm qua, Thư viện huyện đã dành nguồn kinh phí bổ sung kịp thời những tài liệu phục vụ cho việc học tập, sách tham khảo và tăng số lượng bản với mỗi đầu sách, tăng giờ mở cửa phục vụ bạn đọc. Để nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, Thư viện huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thông qua các hoạt động như: tổ chức triển lãm sách, báo, tạp chí; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về duy trì và phát triển văn hoá đọc, thị hiếu đọc sách của thanh, thiếu nhi hiện nay; luân chuyển sách xuống các Bưu điện văn hoá xã; phối hợp với các CLB thơ ở Vụ Bản tổ chức sinh hoạt, tọa đàm thường niên; tổ chức các hoạt động hè cho thiếu nhi như: “Hè vui cùng thư viện”, “Em yêu môi trường”, “Tìm hiểu về biến đổi khí hậu”; tổ chức các hội thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách... Hằng năm, trước kỳ nghỉ hè, Thư viện huyện đều tổ chức sắp xếp lại kho sách, đầu tư kinh phí mua bổ sung sách, truyện; tổ chức tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn để thu hút thiếu nhi đến đọc sách… Ngoài Thư viện huyện, ở các xã, thị trấn đã tổ chức và duy trì hoạt động của các tủ sách CLB, tủ sách NVH… Toàn huyện hiện có 191/223 thôn, xóm có NVH; 80% số thôn, xóm, TDP được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”. Các làng văn hoá, NVH, CLB đều đã thành lập được tủ sách với đa dạng các loại sách thuộc các lĩnh vực chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội. Kinh phí xây dựng các tủ sách phần lớn do nhân dân đóng góp. Tại xã Liên Minh, các bí thư chi bộ và trưởng xóm đã vận động nhân dân và con em xa quê hỗ trợ sách hoặc kinh phí để xây dựng tủ sách làng văn hoá. Nhờ đó, đến nay, xã có 15 tủ sách làng văn hoá được thành lập và hoạt động hiệu quả như: Thôn Thượng, xóm Tâm, xóm Tiền, thôn Tứ Giáp, thôn Tam Giáp, thôn An Lễ, thôn Trung Nghĩa, thôn Ngõ Trang, thôn Vân Bảng… Các tủ sách làng văn hoá ở xã có gần 1.000 bản sách bao gồm các loại báo, tạp chí, trong đó có nhiều loại sách kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được nhiều người dân chọn đọc như: Kỹ thuật thâm canh mạ, sổ tay trồng trọt, truyện tranh thiếu nhi, các loại sách tham khảo cho học sinh… Tại xã Minh Tân, hiệu quả hoạt động tủ sách NVH được duy trì và phát huy trong nhiều năm nay. Tủ sách NVH làng Thượng được hình thành từ năm 2003. Trong quá trình xây dựng làng văn hóa, chi bộ làng Thượng đặt mục tiêu phải xây dựng được mô hình văn hóa tiêu biểu. Nhận thấy nhu cầu đọc tìm hiểu kiến thức của nhân dân trong thôn là thiết yếu, chi bộ thôn đã bàn bạc, xây dựng tủ sách cho mọi người, vận động nhân dân địa phương và con em quê hương cùng nhau ủng hộ sách, báo. Nhờ đó, nhiều con em làng Thượng ở khắp nơi, tiêu biểu như các anh Phạm Văn Liên, Phạm Khải Hoàn đã gửi sách, báo, tạp chí về ủng hộ. Đến nay, tủ sách NVH của làng Thượng đã có hàng chục đầu báo, tạp chí và 200 cuốn sách. Ban quản lý NVH đã duy trì lịch mở cửa phục vụ người dân đến mượn sách vào các ngày 10 và 20 âm lịch hằng tháng; mỗi người được mượn 1-2 cuốn/lần theo nguyện vọng và ký nhận vào sổ theo dõi của tổ phụ trách, đồng thời thực hiện tốt quy định giữ gìn, bảo quản sách. Ở xã Hiển Khánh cả 11 NVH thôn đều đảm bảo diện tích trên 500m2 theo tiêu chí NTM. Các tủ sách tại các NVH luôn duy trì về số lượng và chất lượng để phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân; mỗi tủ sách có từ 70-150 bản sách, bao gồm: sách thiếu nhi, truyện tranh, sách văn học - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật… Trong đó, tủ sách của các thôn: Phú Đa, Ngõ Quan, Môn Nha luôn mở cửa vào các ngày cuối tuần đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu tài liệu của nhân dân. Tại xã Liên Bảo, tủ sách CLB thôn Cao Phương luôn phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của nhân dân địa phương. Từ năm 1996, thôn đã thành lập CLB người cao tuổi sinh hoạt thường xuyên với các hoạt động đọc sách, báo, kể chuyện dân gian... Nắm bắt được nhu cầu của người cao tuổi là yêu thích sách, báo, thôn đã xây dựng phòng đọc sách tại NVH do ban chủ nhiệm CLB NVH quản lý. Hiện tủ sách CLB có khoảng 200 cuốn sách các loại, phù hợp với mọi lứa tuổi. Các cụ cao tuổi của thôn đã viết thư mục, phân loại sách theo các thể loại thơ, truyện, sách khoa học, lịch sử, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để mọi người dễ dàng tra cứu, tìm sách. Để nâng cấp số lượng đầu sách, nhiều cá nhân, tập thể ủng hộ, cung cấp sách báo cho địa phương như: ông Bùi Văn Tam, Trường Giang, Bùi Nam Quỳnh, Đặng Ngọc Minh... Ngoài ra, hằng năm, thôn đều trích ra từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng từ quỹ của CLB người cao tuổi và quỹ NVH để mua sách bổ sung cho tủ sách CLB.
Ngày nay, trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá đọc của nhân dân và hoạt động của hệ thống thư viện ở Vụ Bản. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện huyện và hệ thống tủ sách ở cơ sở, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng, trang bị hệ thống cơ sở vật chất; tiếp tục nhân rộng mô hình xã hội hoá công tác thư viện; tăng cường bổ sung, cập nhật số lượng đầu sách, phong phú về thể loại, lĩnh vực… giúp nhân dân đọc, hiểu và làm theo sách, báo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng