Là một trong những trường trọng điểm trong hệ thống đào tạo nghề của tỉnh, những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Nam Định tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB và XH quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, bổ sung lực lượng giáo viên. Nhà trường thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Lớp dạy nghề Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Nam Định. |
Hiện tại, nhà trường có trên 100 cán bộ, viên chức, trong đó có 97 cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo cơ bản, đạt chuẩn giáo viên dạy nghề, không ngừng được nâng cao cả về trình độ giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp. Nhà trường tổ chức đào tạo cả 3 bậc: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề, với 12 ngành nghề: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử dân dụng, hàn, cắt gọt kim loại, kế toán doanh nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi, xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi, vận hành và sửa chữa trạm bơm điện, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính… Hằng năm nhà trường tập trung các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh như: tổ chức khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động trong tỉnh và khu vực nam đồng bằng sông Hồng; tổ chức tuyển sinh tại địa điểm có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư; phối hợp với các trường THPT, Trung tâm GDTX, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin, tuyên truyền về học nghề, chế độ, chính sách về học nghề, về năng lực đào tạo của nhà trường để thu hút người học nghề. Nhờ đó, những năm qua, nhà trường luôn duy trì quy mô đào tạo 1.000-1.500 học sinh, sinh viên. Hiện nay, nhà trường có 1.140 học sinh, sinh viên, trong đó đào tạo cao đẳng nghề 607 sinh viên; đào tạo trung cấp nghề 399 học viên; đào tạo sơ cấp nghề 190 học viên; đào tạo liên kết 66 học viên; thường xuyên mở các lớp dạy nghề ngắn hạn (3 tháng) cho người lao động và tham gia chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong công tác giảng dạy, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm, được cụ thể hóa thành lịch học hằng tháng, chi tiết đến từng mô-đun, trong đó chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Thực hiện đa dạng hóa các phương thức đào tạo chính quy tập trung, đào tạo ngắn hạn tại trường hoặc tại doanh nghiệp; đào tạo theo địa chỉ; liên kết với các cơ sở đào tạo khác trong và ngoài tỉnh phối hợp đào tạo. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đưa học sinh đến thực tập tại doanh nghiệp để giúp các em có điều kiện thực hành, rèn luyện tay nghề. Từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường đã đưa 321 học sinh, sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp: Cty TNHH Xây lắp cơ điện Toàn Cầu, Cty CP Cơ khí Nam Hà, Cty CP Thương mại và giải pháp nhân lực trẻ Việt Nam, Cty CP Sông Đà 5, Cty TNHH Cơ khí Thắng Lợi, Cty CP Ô tô Nam Định… Quá trình thực tập, tiếp cận thực tiễn sản xuất đã giúp học sinh trưởng thành về kỹ năng nghề, bước đầu hình thành tác phong công nghiệp, có khả năng tiếp cận với vị trí công việc, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 45 trường dạy nghề chất lượng cao trong toàn quốc tại Quyết định 761/QĐ-TTg về “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”, được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình. Nhà trường đã được tỉnh đầu tư dự án mở rộng trường khu II, với diện tích trên 41 nghìn m2 trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, đáp ứng với chuẩn của trường cao đẳng. Nhà trường đã được lựa chọn đầu tư trọng điểm theo chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn (2006-2015) và là một trong 15 trường của toàn quốc được đầu tư dự án ODA “Nâng cao kỹ năng nghề” ở hai nghề: Hàn và Điện công nghiệp. Năm 2011, trường được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH) đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo 5 nghề trọng điểm, gồm: nghề hàn cấp độ quốc tế; nghề điện công nghiệp và nghề cắt gọt kim loại cấp độ khu vực ASEAN; nghề xây dựng và hoàn thiện công trình thủy lợi và nghề quản lý khai thác công trình thủy lợi cấp độ quốc gia. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được cử đi học tập nâng cao và tham gia các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn về chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý và năng lực kỹ năng nghề tại các nước phát triển như Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Ít-xra-en, Đức, Pháp… thông qua các chương trình của Tổng cục Dạy nghề và các tổ chức quốc tế. Được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cùng với đội ngũ cán bộ giáo viên có trình độ, nhiệt huyết với nghề, hằng năm nhà trường đào tạo, cung ứng cho thị trường trên 1.000 lao động có tay nghề, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và chương trình phát triển kinh tế của các địa phương. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định chiếm 70%.
Với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, Trường Cao đẳng Nghề Nam Định đã được Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được UBND tỉnh và các bộ, ngành tặng nhiều Bằng khen. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án xây dựng các nghề trọng điểm, tập trung hoàn thiện các điều kiện thực hiện đề án xây dựng trường chất lượng cao. Kiện toàn bộ máy, đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các địa phương và nhu cầu của các doanh nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo cả về số lượng và phạm vi đào tạo trên cơ sở đảm bảo mục tiêu về chất lượng và đáp ứng nhu cầu xã hội. Liên kết với các trường đại học, dạy nghề đào tạo học viên ở trình độ đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Minh Tân