Qua 2 năm thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội

08:04, 18/04/2016

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quy chế), trong 2 năm qua, Ban TVTU, cấp ủy Đảng các cấp trong tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn từng bước triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế.

Để thực hiện tốt Quy chế, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đã được chú trọng: Ban Dân vận các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quy chế; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Quy chế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên tới cán bộ, đội ngũ báo cáo viên, đoàn viên, hội viên đồng thời phổ biến, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó MTTQ, Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội CCB tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội, công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp huyện và cơ sở. Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn và ký kết các chương trình phối hợp giám sát cụ thể để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Quy chế. Nội dung giám sát đã tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, những vấn đề người dân quan tâm. Theo đó, trong 2 năm qua, MTTQ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan và các đoàn thể chính trị - xã hội rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TB và XH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đến nay 229/229 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc rà soát với tổng số 76.446 đối tượng; trong đó đã phát hiện 36 đối tượng hưởng sai chế độ, 87 đối tượng chưa được hưởng đầy đủ và 653 đối tượng đủ điều kiện nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận có công; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh giám sát việc thực hiện Luật HTX, kết quả việc chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012; phối hợp với Thanh tra tỉnh giám sát việc nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn 2015-2019, giám sát trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị trong tỉnh… LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ, Sở LĐ-TB và XH, Thanh tra, BHXH tỉnh tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật về BHXH và quy chế dân chủ tại 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Đoàn giám sát liên ngành của Trung ương tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHYT tại 2 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn; qua đợt giám sát đã đôn đốc 5 doanh nghiệp cân đối nguồn kinh phí, kịp thời hoàn trả tiền nợ đọng BHXH cho cơ quan BHXH với số tiền gần 4 tỷ đồng, đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý 693 doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN với số tiền trên 160 tỷ đồng. Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trên địa toàn tỉnh, qua đó phát hiện 60 gia đình chưa được giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ do nhiều nguyên nhân; đồng thời tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách BHXH đối với cán bộ hội chuyên trách cấp cơ sở. Hội Nông dân tỉnh triển khai giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo” đối với chức danh chủ tịch Hội Nông dân ở 100% cơ sở hội trong toàn tỉnh; qua giám sát đã đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện nghị quyết đối với đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, chỉ ra những hạn chế, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ hội cơ sở đạt chuẩn theo chức danh quy định… Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động phản biện theo yêu cầu của các cơ quan như: Triển khai lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh về Dự thảo Bộ luật Dân sự, tham gia đóng góp vào các dự thảo luật như: Luật MTTQ Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tín ngưỡng tôn giáo…

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền cho Ủy ban MTTQ huyện Trực Ninh. Ảnh: Văn Huỳnh
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh trao hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền cho Ủy ban MTTQ huyện Trực Ninh. Ảnh: Văn Huỳnh

Bên cạnh đó, trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, tổ chức hội nghị, các buổi tọa đàm để nhân dân tham gia ý kiến; phối hợp thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân. MTTQ đã triển khai lập hòm thư góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đặt tại cơ quan MTTQ tỉnh và các huyện, thành phố. Việc xây dựng và ban hành quy chế sử dụng hòm thư, xử lý thư góp ý được thực hiện đồng bộ. Đến nay 100% huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và 50% khu dân cư trong tỉnh đã có hòm thư góp ý để tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân. Đây là một trong những hoạt động cụ thể nhằm tiếp nhận được nhiều và thường xuyên hơn ý kiến đóng góp của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, qua đó phát huy dân chủ và nâng cao sự đồng thuận trong xã hội. Bên cạnh đó MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức hàng trăm hội nghị lấy ý kiến, thu hút hàng trăm nghìn lượt đoàn viên, hội viên tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp. Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần dân chủ trong Đảng, tạo điều kiện cho nhân dân nói lên tiếng nói của mình, đóng góp cho quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn của Đảng… Ngoài ra việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chú ý triển khai, nhất là tại các địa phương, cơ quan, đơn vị có đơn thư khiếu nại của công dân…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) còn một số tồn tại, hạn chế: nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về nội dung, nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn hạn chế; công tác phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan chức năng để phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn nhiều khó khăn; một số đoàn thể chưa xây dựng được chương trình giám sát cụ thể; việc triển khai thực hiện công tác phản biện xã hội mới chỉ tập trung vào phản biện việc xây dựng các bộ luật, luật, chưa có nhiều phản biện chuyên đề, phản biện việc xây dựng các chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, quy định; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện Quy chế, quy định của Bộ Chính trị. Tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW; phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức đối thoại theo định kỳ hằng năm giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp với nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ có đủ khả năng giám sát, phản biện đồng thời có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát./.

Thu Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com