Quan tâm, chăm sóc hỗ trợ hội viên

08:04, 18/04/2016
Thời gian qua, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện cho các hội viên NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
 
Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Bích, 41 tuổi ở xã Trực Đại (Trực Ninh) là NKT có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, khi gia đình có tới hai chị em đều là NKT bị teo chi dưới, không thể đi lại được. Mỗi lần đi đâu xa, các chị thường phải nhờ tới người thân giúp đỡ, vì vậy việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Hiện tại, hai chị em đang sống cùng với cha mẹ già, sức khỏe đã yếu đều không thể lao động được, cuộc sống của gia đình chị thuộc diện hộ nghèo trong xã, thu nhập chỉ trông cậy vào khoản trợ cấp cho NKT với số tiền 270 nghìn đồng/tháng. Nhận thấy hoàn cảnh của gia đình chị, Hội NKT tỉnh đã trao tặng cho chị chiếc xe lăn trị giá 3 triệu đồng để chị có thể thuận tiện hơn trong việc đi lại. Chị chia sẻ: “Từ khi được tặng chiếc xe lăn, cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi, giúp tôi có thể tự túc được trong mọi công việc cũng như sinh hoạt bình thường trong cuộc sống”. Hoặc trường hợp ông Phạm Văn Lương, sinh năm 1958, hội viên Hội NKT huyện Mỹ Lộc cũng là trường hợp gia đình rất khó khăn. Sau một vụ tai nạn kinh hoàng trong lúc lao động, ông đã bị mất một chân, việc này từng khiến ông rơi vào cảnh tuyệt vọng. Tuy nhiên, với nghị lực vượt qua khó khăn cùng với sự kiên trì không mệt mỏi, ông Lương đã tích cực luyện tập. Sau một thời gian, sức khỏe dần hồi phục, ông đã tìm cách học hỏi và tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề đan giỏ tích, được sự hỗ trợ của địa phương, ông đã tích cực học hỏi và làm quen dần với công việc. Sau khoảng thời gian dài nỗ lực, ông Lương đã học thành thạo các kỹ năng đan giỏ tích. Hiện mỗi ngày ông có thể đan được 10 chiếc giỏ, tính ra một tháng từ nghề đem lại thu nhập cho từ 5-6 triệu đồng/tháng. Có điều kiện về kinh tế, ông có thể lo cho gia đình được phần nào, chăm lo cho con cái ăn học trưởng thành.
 
Ông Phạm Văn Lương, hội viên Hội NKT huyện Mỹ Lộc đan giỏ tích tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Phạm Văn Lương, hội viên Hội NKT huyện Mỹ Lộc đan giỏ tích tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.200 hội viên NKT, trong đó có nhiều NKT không có khả năng lao động, không có khả năng tự phục vụ và bị bệnh tâm thần. Cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước với sự nỗ lực của Hội NKT các cấp, công tác chăm sóc hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh còn nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các chương trình hỗ trợ NKT như: tặng xe lăn, xe lắc, thăm hỏi những lúc ốm đau hoạn nạn… đã được triển khai góp phần giúp đỡ NKT vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định trong cuộc sống. Đặc biệt, công tác chăm sóc cho những hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các cấp Hội NKT trong tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều việc làm thiết thực. Đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho các hội viên nhằm nâng cao chất lượng công tác hội, tập huấn cho 30 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu trong toàn tỉnh với chủ đề “Hòa nhập bình đẳng và quản trị kinh doanh”, tập huấn cho các hội viên với chủ đề “Nâng cao năng lực, trợ giúp pháp lý”, đi thăm, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 cho 100 hội viên NKT với mỗi suất quà trị giá 200 nghìn đồng. Tổ chức trao tặng 20 chiếc xe lăn cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá hơn 60 triệu đồng. Tổ chức các lớp dạy nghề đan tranh xuất khẩu và lớp may công nghiệp ở hai huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên thu hút gần 100 người tham gia, hỗ trợ vay vốn cho các hội viên với số tiền 100 triệu đồng từ vốn Quỹ CCB Mỹ giúp các hội viên phát triển kinh tế gia đình… Bà Vũ Thị Lan, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: Hiện nay, đời sống, vật chất NKT còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn sống dựa vào gia đình và khoản trợ cấp xã hội trong khi công tác chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở hội do điều kiện khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng chưa được quan tâm, các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT còn chưa nhiều, trong đó rào cản của NKT còn khó khăn do trình độ nhận thức, một số đơn vị, doanh nghiệp về việc tiếp nhận NKT vào làm việc còn hạn chế… Từ đó, những việc làm giúp đỡ NKT vơi bớt khó khăn trong cuộc sống tuy nhỏ song là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với những người không may mắn, giúp họ vượt qua mọi khó khăn hòa nhập với cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về giúp đỡ NKT, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật NKT, tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về các chế độ chính sách trợ giúp xã hội đối với bảo trợ xã hội cho NKT, thường xuyên chú trọng quan tâm và thực hiện một số chế độ BHXH, trợ cấp thường xuyên cho NKT, tập trung công tác dạy nghề, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập để NKT ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để NKT tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình việc làm, tiếp cận các công trình công cộng… Vận động các doanh nghiệp, các nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện giúp đỡ NKT có thể vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định… Bên cạnh đó, các cấp Hội NKT trong toàn tỉnh tiếp tục kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm chăm lo đến NKT, giúp đỡ những hội viên khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có công ăn việc làm phù hợp, hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình./.
 
 Bài và ảnh:  Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com