Ngày 26-4 hằng năm được chọn là Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới. Hưởng ứng ngày này là dịp để các cơ quan Nhà nước tăng cường vai trò quản lý, thúc đẩy mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa của SHTT trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Ngày SHTT thế giới năm 2016 có chủ đề là “Sáng tạo số - Tái hiện văn hóa” nhằm tri ân các nhà sáng tạo cũng như tăng cường hiểu biết về SHTT cho cộng đồng.
Hưởng ứng Ngày SHTT thế giới năm 2016, tỉnh ta đã có nhiều chương trình, hành động nhằm tôn vinh những sáng tạo trong mọi lĩnh vực và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT trong cộng đồng dân cư. Phát động và phối hợp tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng tạo ở mọi lứa tuổi như sáng tạo khoa học kỹ thuật cho cán bộ, CNVCNLĐ; sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng dành cho lứa tuổi từ 6-19 và sáng tạo trong học sinh THPT. Đặc biệt Sở KH và CN khuyến khích các tác giả nghiên cứu sáng tạo tái hiện các hoạt động văn hóa, lịch sử truyền thống trên nền tảng ứng dụng CNTT. Tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề về SHTT với các doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về các chủ đề liên quan đến SHTT; sáng tạo và sáng kiến, cách thức thúc đẩy và bảo hộ các hoạt động này có sự tham gia của giới sáng tạo cũng như các cơ quan quản lý về SHTT ở địa phương. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động tái hiện văn hóa trên nền công nghệ số được phát minh, áp dụng hiệu quả vào thực tế cuộc sống, lao động và học tập. Đi đầu trong hoạt động tái hiện văn hóa trên nền công nghệ số thuộc ngành GD và ĐT. Với lợi thế trực tiếp truyền tải những bài học lịch sử, những tập tục văn hóa trong đời sống, lao động và học tập của 54 dân tộc trên toàn quốc cũng như những nền văn minh thế giới, các giáo viên đã hệ thống hóa các bài học lịch sử, văn học qua các tư liệu lịch sử, phim ảnh, biểu đồ, lược đồ thành bài giảng trình chiếu có âm thanh, màu sắc, hoạt cảnh minh họa trên môi trường mạng. Nhiều chương trình tái hiện văn hóa trên nền công nghệ số đã được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy như giải pháp “Thiết kế, sử dụng sơ đồ, lược đồ, di sản văn hóa, tư liệu phim ảnh trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX” của tác giả Đặng Thị Hoài Phương, giáo viên Trường THCS Mỹ Tiến (Mỹ Lộc). Trong giải pháp này, tác giả đã tái hiện sinh động toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX thông qua các sơ đồ: tổ chức bộ máy Nhà nước, kết cấu các giai cấp và tầng lớp trong xã hội phong kiến; sơ đồ thời gian; sơ đồ so sánh các nội dung về quân sự, pháp luật, văn hoá, giáo dục và sơ đồ tư duy kết hợp với việc sử dụng di sản văn hóa, khai thác các tư liệu lịch sử về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Sáng tạo này còn tạo cho giáo viên có một bộ công cụ hợp lý, nguồn tài liệu chuẩn, khắc phục được lối truyền thụ khô khan, cứng nhắc của bộ môn Lịch sử với những sự kiện khó nhớ, khó thuộc; giúp các em học sinh được tiếp cận với phương pháp ghi nhớ và khắc sâu, tự chủ được nguồn kiến thức lịch sử, mở rộng không gian học tập… Tác giả Nguyễn Thị Duyên, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) lại thiết kế thành công phần mềm “cỗ máy thời gian” giúp nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức môn Lịch sử. Phần mềm này kết cấu thành các chương đúng như sách giáo khoa nhưng cách thể hiện giúp dễ hiểu, dễ nhớ hơn như câu hỏi trắc nghiệm, ô chữ, xác định nhân vật. Thú vị hơn, phần mềm học tập môn Lịch sử được Duyên tái hiện các dữ liệu lịch sử, đặc điểm và diễn tiến văn hóa dưới dạng hỏi - đáp tổng hợp các trò chơi để kết hợp giữa học mà chơi, chơi mà học, tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi câu hỏi như một câu đố được giải đáp bằng trò chơi ô chữ kỳ diệu, khi trả lời đúng sẽ nhận được tràng pháo tay động viên hay mặt cười, còn sai thì mặt méo và cũng tích hợp điểm số cho những câu trả lời đúng… Phần mềm “cỗ máy thời gian” giúp học tập môn Lịch sử đã được áp dụng đối với hầu hết các chuyên đề trong bài giảng Lịch sử cho học sinh các khối lớp của Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản) và được đánh giá có nhiều cơ hội được áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục toàn tỉnh.
Với những sáng tạo không ngừng vì mục tiêu tái hiện văn hóa trên nền công nghệ số đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác giảng dạy của các trường học trên địa bàn. Để tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, tư duy sáng tạo trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành KH và CN cùng các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về SHTT và tạo điều kiện cho các tác giả có điều kiện về thời gian, vật chất để tư duy sáng tạo. Đồng thời đẩy mạnh việc đăng ký sáng chế cho những giải pháp xuất sắc để bảo vệ bản quyền SHTT tránh những tranh chấp thương mại không đáng có./.
Nguyễn Hương