Góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc

09:04, 20/04/2016
Ngoài Thư viện tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 thư viện huyện, thành phố, khoảng 1.000 thư viện, tủ sách cơ sở… Những năm qua, hệ thống thư viện trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc.
Học sinh đọc sách tại Thư viện Thành phố Nam Định.
Học sinh đọc sách tại Thư viện Thành phố Nam Định.
Thư viện tỉnh đã thực hiện tốt công tác xây dựng vốn tài liệu bằng cách tiết kiệm nguồn kinh phí được cấp và chương trình mục tiêu quốc gia, tranh thủ các nguồn hỗ trợ bằng sách của các cơ quan Trung ương, tiếp nhận các nguồn tài liệu của các cá nhân, tổ chức, nhà sách, NXB tài trợ để tăng cường vốn tài liệu. Năm 2015, Thư viện tỉnh đã bổ sung 2.447 bản sách, 130 loại báo tạp chí, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Bước ngoặt mới trong công tác phục vụ bạn đọc ở Thư viện tỉnh là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, tạo nhiều cơ sở dữ liệu giúp bạn đọc tra cứu tài liệu thuận tiện. Các máy tính được trang bị phần mềm Thư viện điện tử (ILIB) nên các công việc chuyên môn như: Bổ sung biên mục, in mã vạch, in phiếu mục lục, quản lý bạn đọc, quản lý lưu thông mượn, trả đã được tin học hóa. Thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục số hóa các tư liệu, tài liệu cơ sở dữ liệu toàn văn để phục vụ tốt hơn nhu cầu bạn đọc. Với cách làm này, số lượng bạn đọc hằng năm ở Thư viện tỉnh duy trì ổn định, với gần 1.500 thẻ bạn đọc, mỗi ngày trung bình có 200-300 lượt độc giả đến đọc sách báo và tra cứu thông tin. Hằng năm, Thư viện tỉnh còn tổ chức luân chuyển và hỗ trợ các thư viện huyện, tủ sách cơ sở hàng nghìn bản sách. Năm 2015, Thư viện tỉnh tặng 145 cuốn sách cho Trung tâm học tập cộng đồng xã Trực Nội (Trực Ninh); hướng dẫn nghiệp vụ và tặng Thư viện huyện Xuân Trường 200 cuốn sách; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia văn hóa trong lĩnh vực thư viện, cấp sách cho 9 Thư viện huyện, thành phố với kinh phí 105 triệu đồng (tương đương 1.410 bản sách); phối hợp tổ chức luân chuyển 4.000 bản sách cho hệ thống Thư viện huyện, thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh. Cùng với Thư viện tỉnh, các thư viện huyện, thành phố và thư viện, tủ sách cơ sở hoạt động hiệu quả. Thư viện huyện Xuân Trường hiện có hơn 2.000 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như: truyện có khoảng 1.000 đầu sách; văn hóa đời sống 500 cuốn; sách nông nghiệp khoảng 200 cuốn… Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ độc giả, Thư viện huyện triển khai áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ, trong đó đổi mới cách sắp xếp phân loại sách, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho thủ thư. Xã Xuân Hồng là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện Xuân Trường về phát triển thư viện, tủ sách cơ sở với 1 thư viện trẻ em, 1 thư viện làng Hành Thiện. Thư viện trẻ em xã Xuân Hồng được xây dựng năm 2014 trên diện tích 325m 2, với kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do cụ Mi-chi-kô Tê-ra-ya-ma (người Nhật Bản) tài trợ, phần còn lại do phụ huynh học sinh và con em xa quê đóng góp. Thư viện có quy mô và cách bài trí sách, báo khoa học. Phần lớn diện tích thư viện được bố trí làm phòng đọc, còn lại là phòng đa năng để các em nhỏ luyện tập thể thao, hát múa… cùng các công trình phụ trợ. Phòng đọc có 5.000 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, ngoại ngữ, dạy kỹ năng… dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Để tạo không gian phù hợp với các em, phòng đọc trang trí nhiều hình ảnh về các nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam như: Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh…, hằng năm thu hút trên 1.500 lượt bạn đọc. Ở huyện Ý Yên nhiều xã, thị trấn đã tổ chức và duy trì hoạt động các tủ sách pháp luật, tủ sách của các NVH thôn. Toàn huyện hiện có 32 tủ sách ở 32 xã, thị trấn, mỗi tủ sách có hàng trăm đầu sách ở nhiều lĩnh vực. Một số xã trong huyện còn duy trì việc luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật tới điểm bưu điện văn hóa xã và NVH ở các thôn, xóm để có thêm nhiều loại sách, báo, tạp chí phục vụ nhu cầu người đọc… Tiêu biểu như xã Yên Ninh có tủ sách công cộng với hơn 200 đầu sách được đặt tại NVH xã, thuận tiện cho cán bộ và nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu. Xã Yên Khánh, ngoài tủ sách pháp luật của xã, 50% số NVH thôn đã có tủ sách. Các đầu sách ở các NVH thôn thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là các tài liệu về hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Tại huyện Hải Hậu, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phòng đọc thiếu nhi do ông Đặng Văn Khảm (71 tuổi) làm thủ thư hằng ngày vẫn đón hàng trăm lượt bạn đọc. Hiện nay, phòng đọc có 50 nghìn bản sách, một số đầu sách sau khi phòng đọc sử dụng khoảng 2 tuần lại được bán rẻ hoặc luân chuyển xuống các cơ sở cho thuê sách, các phòng đọc sách khác trong huyện. Cách làm này đã tạo ra mạng lưới phục vụ bạn đọc trên địa bàn và là biện pháp thu hồi vốn để bổ sung sách mới. Từ mô hình phòng đọc thiếu nhi, Hải Hậu đã nhân rộng mô hình phòng đọc tư nhân trên địa bàn huyện như: phòng đọc trẻ em của gia đình ông Nguyễn Đức Cương, xóm 7, xã Hải Anh; ông Trần Xuân Mậu, xã Hải Trung… 
 
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 22 về việc quy định mức thu phí thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong đó, biểu mức thu phí thư viện công cộng với người lớn là 40 nghìn đồng (tăng 20 nghìn đồng so với mức thu phí cũ), với bạn đọc trẻ em là 20 nghìn đồng (tăng 10 nghìn đồng so với mức thu phí cũ). Sắp tới, từ ngày 28-4 đến 1-5-2016, lần đầu tiên tỉnh ta sẽ tổ chức “Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định” với nhiều hoạt động phong phú như: Giới thiệu một số tác phẩm mới và một số hoạt động tương tác giữa Nhà xuất bản Kim Đồng và độc giả; chương trình giao lưu thi đọc sách, kể chuyện bằng tiếng Anh của học sinh tiểu học và THCS; tọa đàm, trao đổi: “Văn hóa đọc trong đời sống của những người trẻ”; giao lưu “Những tác động của internet đến giới trẻ và việc đọc sách, học tập trên internet”; trưng bày, giới thiệu sách và vận động tài trợ, tặng sách cho các tủ sách lớp học. Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định với sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo của nhiều ngành như: Sở TT và TT; Sở VH, TT và DL; Sở GD và ĐT; Hội Văn học - Nghệ thuật… sẽ là “cú hích” để nâng cao hơn nữa về nhận thức văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là các em học sinh. Đặc biệt, chương trình “Ngày Sách Việt Nam tỉnh Nam Định” được tổ chức gắn với việc phát động “Chương trình sách hóa nông thôn” với mục tiêu xây dựng 12.662 tủ sách lớp học trên toàn tỉnh ở tất cả các cấp học càng khẳng định tính thiết thực của chương trình với sự “vào cuộc” hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội học tập bền vững./.
 
Bài và ảnh: Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com