Một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm, TNGT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh ta từ nhiều năm nay là tình trạng người dân lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh dài 41,15km chạy song song với các Quốc lộ 10, 21 nhưng do không có đường gom cho các hộ dân sống ven đường sắt đi ra các đường ngang hợp pháp nên hầu hết các hộ dân đã dùng các tấm đan, lưới thép, gỗ ván, đổ bê tông tự ý mở hàng trăm lối đi trái phép trực tiếp từ cửa nhà qua đường sắt. Tại phường Văn Miếu (TP Nam Định), Thị trấn Gôi (Vụ Bản) người dân còn họp chợ cạnh đường sắt. Tại xã Yên Tiến (Ý Yên), hầu hết các hộ giáp đường sắt đều mở cửa hàng buôn bán đồ gỗ, hàng mỹ nghệ, nhiều hộ dùng lòng đường sắt để phơi mây, tre làm hàng thủ công mỹ nghệ. Trong khi tiến độ xử lý đóng các đường ngang trái phép, đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh còn chậm. Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ còn phổ biến ở hầu khắp các tuyến, việc dựng rạp tổ chức việc hiếu, hỉ, phơi nông sản trên đường giao thông vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
|
Công nhân Cty TNHH một thành viên đường sắt Hà Ninh tu sửa, bảo đảm an toàn đường sắt tại địa phận Thành phố Nam Định. |
Nhằm chấm dứt tồn tại trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 12-10-2015 về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2015-2020. Theo đó, tỉnh xác định yêu cầu hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào quốc lộ, đường ngang đường sắt, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT đường bộ, đường sắt. Để đạt yêu cầu đề ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp cần thực hiện đúng trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt để người dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi hành lang ATGT. Thống nhất với Bộ GTVT xây dựng quy hoạch hệ thống đường gom dọc các tuyến quốc lộ chưa được quy hoạch (Quốc lộ 37B, Quốc lộ 21B); khu vực có KCN, khu đô thị, khu kinh tế, khu thương mại, khu vực đông dân cư đấu nối với hệ thống quốc lộ phù hợp với quy hoạch GTVT, quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch hệ thống hàng rào, đường gom các đường dân sinh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xóa bỏ các đường nhánh và cửa hàng xăng dầu đấu nối vào Quốc lộ không đảm bảo đúng quy hoạch các điểm đấu nối vào Quốc lộ được duyệt. Để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, từ nay đến năm 2017, các ngành TN và MT, GTVT tập trung xác định phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ (đất của đường bộ) và xác định giới hạn hành lang an toàn đường bộ, rà soát và cắm hệ thống cọc mốc chỉ giới. Các cơ quan quản lý quốc lộ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê, phân loại các công trình nằm trong phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ của hệ thống quốc lộ và xác định các công trình, cây cối nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến ATGT, trình UBND tỉnh kế hoạch, dự toán bồi thường, hỗ trợ giải tỏa. Cục Quản lý đường bộ I chủ trì thực hiện trên Quốc lộ 10, Quốc lộ 21B; Sở GTVT chủ trì thực hiện trên các Quốc lộ: 21, 38B, 37B. Từ năm 2018 đến 2020, tiếp tục công khai mốc giới cắm và công bố các loại mốc giới giải phóng mặt bằng và chỉ giới bảo vệ công trình đường bộ, đường sắt; bàn giao cho các cơ quan quản lý theo chức năng. Thực hiện thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ nhưng gây ảnh hưởng đến ATGT. Sau khi tiến hành bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ tiếp nhận để quản lý phần đất của đường bộ. Phần đất hành lang an toàn đường bộ giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ quản lý, bảo vệ.
Để lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, từ nay đến năm 2020 ngành Đường sắt phải hoàn tất công tác rà soát, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện cắm đầy đủ mốc giải phóng mặt bằng cho đất bảo vệ công trình đường sắt và chỉ giới hành lang an toàn đường sắt; bàn giao cho UBND cấp xã nơi có công trình đường sắt quản lý, bảo vệ. Các địa phương có đường sắt đi qua chủ trì phối hợp với Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh tổ chức vận động, cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt đã được đền bù, công trình tái lấn chiếm; kiên quyết không để phát sinh thêm các vi phạm hành lang an toàn đường sắt và các đường ngang trái phép; tổ chức cảnh giới bảo đảm ATGT tại các lối đi dân sinh có nguy cơ xảy ra TNGT. Phối hợp với ngành đường sắt thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa toàn bộ đường ngang vi phạm quy định; xây dựng đường gom và hàng rào cách ly để đóng toàn bộ các lối đi dân sinh mở trái phép trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh. Thực hiện quản lý đất dành cho đường sắt trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy