Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm thiểu ngộ độc từ rau, thịt mất an toàn thực phẩm

08:04, 21/04/2016
Rau, thịt là các thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Tuy nhiên thực phẩm rau, thịt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nitrat trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt… Sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm (NĐTP), gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính, tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Những thông tin về rau, thịt không an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đang gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng. Chị Bùi Thị Thanh, một người mua thực phẩm tại chợ Năng Tĩnh (TP Nam Định) cho biết: “Rau và thịt là những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của gia đình. Tuy nhiên, trước những thông tin báo chí đưa tin như rau không an toàn, người trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu; thịt sử dụng thuốc tăng trưởng, thịt nhiễm kháng sinh, thịt bị tẩm hóa chất để bảo quản ngày càng nhiều nên những người nội trợ chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng”. Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân ở phố Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định) cho biết: “Ngày nào đi chợ tôi cũng phải nung nấu trong đầu suy nghĩ mua rau, thịt sao cho an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng hiện tại thật giả lẫn lộn, chúng tôi không biết phải làm sao”(?). Người tiêu dùng, đặc biệt là những người nội trợ có lẽ ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của ATTP của rau, thịt trong bữa ăn hằng ngày của gia đình. Tuy nhiên, vì lợi ích, nhiều người sản xuất, kinh doanh rau, thịt vẫn bàng quan, thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với sức khỏe của cộng đồng.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra một đại lý kinh doanh hoa quả tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra một đại lý kinh doanh hoa quả tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thực phẩm không an toàn có liên quan đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Trong năm 2015, qua công tác lấy mẫu rau giám sát mối nguy ATTP của các ngành chức năng tại tỉnh ta đã phát hiện một số mẫu rau, thịt, không đảm bảo ATTP như: củ cải có hoạt chất cấm Endosulfan, rau rút nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, rau răm phun thuốc kích thích, thịt gà phát hiện dư lượng kháng sinh Florfenicol… Riêng ngành Y tế, qua giám sát mối nguy 432 mẫu thực phẩm thuộc nhóm thực phẩm nguy cơ, tỷ lệ không đạt là 14,1%. Năm 2015 toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ NĐTP làm 152 người bị NĐTP và 147 người nhập viện, may mắn chưa có ca tử vong. Trong 4 vụ trên, có 3 vụ nguyên nhân do hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, 1 vụ ngộ độc do ăn giò nạc nhiễm vi sinh vật. Để đảm bảo ATTP rau, thịt, điều quan trọng là thực hiện đúng dây chuyền sản xuất, từ nông dân, nhà sản xuất đến nhà cung cấp và người tiêu dùng. Tuy nhiên khó khăn hiện nay, đối với các mặt hàng thịt, rau, củ, quả, do phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại chợ truyền thống, không thực hiện đầy đủ các quy định về ghi chép nguồn gốc sản phẩm nên không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tồn dư chất cấm, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, chăn nuôi.
 
Để ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng kháng sinh, thuốc BVTV trong trồng trọt, chăn nuôi, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP và tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý các vi phạm về ATTP… Với chủ đề “Tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, Tháng hành động vì ATTP năm nay diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2016 trên phạm vi toàn tỉnh, với 3 mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối. Giảm thiểu NĐTP từ rau, thịt mất ATTP. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATTP, Tháng hành động vì ATTP là “điểm nhấn”, tạo đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa NĐTP, đặc biệt là các vụ NĐTP tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn nói chung và các sản phẩm rau, thịt nói riêng. Đồng thời, qua Tháng hành động cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền các địa phương, các ban, ngành, các tổ chức xã hội, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc chung tay góp sức, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP. Trong Tháng hành động, sẽ tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về ATTP. Đối tượng ưu tiên truyền thông là các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh rau; cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt; chính quyền các cấp, ban quản lý chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…); người tiêu dùng thực phẩm. Tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về ATTP rau, thịt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rau, thịt có thể mang đến. Cùng với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh thịt, sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng, thức ăn chăn nuôi; các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở tiêu dùng rau, thịt như: khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể… Ngoài 3 đoàn liên ngành của tỉnh, các Sở: Y tế, Công thương, NN và PTNT thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo lĩnh vực được phân công. Riêng ngành NN và PTNT đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất lĩnh vực được phân công quản lý, tập trung quản lý đồng bộ các khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất bảo quản nông sản thực phẩm, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi, thủy sản. Quản lý chất lượng an toàn các loại rau, củ, quả, an toàn trong giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm; rà soát điều chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn phù hợp điều kiện kinh tế từng địa phương./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com