Đến tham quan mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín không chất thải của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, hội viên phụ nữ chi hội 9, xã Hải Phú (Hải Hậu), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của chị khi kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Nhờ được Hội Phụ nữ huyện tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi giun quế và hỗ trợ vay vốn, đến nay mô hình nuôi giun quế của gia đình chị phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Trung bình 45 ngày chị thu 1 lứa giun quế, ngoài bán giống cho bà con, chị dành để phát triển chăn nuôi. Nhà chị thường xuyên nuôi 6 con lợn sề, 3 con lợn thịt và gần 100 con vịt, gà đẻ. Sau 1 tháng đầu nuôi bằng cám công nghiệp, chị chuyển sang thay thế hoàn toàn bằng cám ngô, gạo và giun quế, nhờ đó đã tạo ra sản phẩm gia cầm sạch, bán được giá cao; đồng thời lại bảo vệ môi trường, không gian gia đình sạch sẽ. Gia đình chị đã liên kết với Cty Tân Đạt ở Hà Nội chuyên cung cấp thịt gà, thịt lợn, trứng sạch, được người mua tin tưởng. Đây chỉ là một trong hàng trăm phụ nữ được Hội Phụ nữ huyện quan tâm hỗ trợ, phát triển kinh tế gia đình thời gian qua.
|
Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Ninh (Xuân Trường) học nghề trồng nấm. |
Những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn góp phần giúp các chị em cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, từng bước khẳng định vị trí trong xã hội. Thực hiện Quyết định 295 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 (Đề án 295) và Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn. Để thực hiện hiệu quả các đề án, hằng năm, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền; tích cực vận động lao động nữ tham gia học nghề; cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm cho lao động nữ. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh liên kết với các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các lớp dạy nghề cho chị em. Trung tâm Dạy nghề (Hội LHPN tỉnh) đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình các nghề mới phù hợp với thị trường lao động của địa phương. Hội LHPN tỉnh còn tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập tổ, nhóm may công nghiệp, thêu ren... để dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn quan tâm đến công tác tạo việc làm, tìm đầu ra sau học nghề cho hội viên; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tạo điều kiện cho hàng trăm chị vào làm việc có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo, đôn đốc Hội Phụ nữ các huyện, thành phố và Hội Phụ nữ cơ sở tiến hành rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình hội viên; nắm chắc số lượng các hộ nghèo, đặc biệt là đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để tuyên truyền giúp hội viên phụ nữ nắm được chủ trương dạy nghề của các cấp Hội; tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu lao động của địa phương. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là các nghề như: thêu ren, nghề mộc, nghề tre nứa ghép, dệt chiếu, đan bẹ chuối, móc hộp sợi xuất khẩu, chăn nuôi gia súc, gia cầm… gắn với các làng nghề để phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương, tạo thuận lợi cho các học viên thực hành, áp dụng nghề được học vào thực tiễn sản xuất. Các cấp Hội còn tập trung đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng nhu cầu lao động địa phương cho các KCN, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lao động. Ngoài ra, việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể được chú trọng, tiêu biểu như các mô hình: HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu), tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Giao Hà (Giao Thủy)… Thông qua mô hình đã hướng dẫn hội viên về kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp hội viên yên tâm lao động, sản xuất. Đặc biệt, 2 mô hình tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề là mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy sản” tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái” tại Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đã góp phần giải quyết việc làm, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên, phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình. Riêng năm 2015, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tổ chức dạy nghề cho 4.255 lao động nữ, trong đó có 2.675 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và phụ nữ khuyết tật; tư vấn học nghề, tư vấn việc làm cho 4.560 lao động nữ, giới thiệu việc làm cho 3.423 lao động nữ, giúp gần 9.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia các lớp tập huấn phổ biến kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham gia học nghề tạo việc làm mới như học nghề thêu ren, đan bẹ chuối xuất khẩu, móc túi hộp sợi xuất khẩu, dệt chiếu, may công nghiệp… Chị em được dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định ngay tại quê hương, khắc phục tình trạng phải đi làm ăn xa nên có điều kiện thực hiện tốt thiên chức của người phụ nữ trong việc chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái. Nhiều chị đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện tốt tiêu chí không đói nghèo - một trong các tiêu chí quan trọng của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu của hội viên, phụ nữ ở nông thôn; phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho lao động nữ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo ở nông thôn./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng