Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, những năm qua, Viện KSND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, coi đây là khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội.
Kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố - Kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh) trao đổi nghiệp vụ tranh tụng tại phiên tòa. |
Tranh tụng của kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa xét xử án hình sự là hoạt động tố tụng được thực hiện giữa đại diện KSV với người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa nhằm bảo vệ quan điểm, lợi ích của các bên, đảm bảo việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Để nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự, Viện KSND tỉnh thường xuyên quán triệt các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác cho KSV; phân công KSV tham gia các lớp tập huấn do Viện KSND Tối cao tổ chức; tạo điều kiện để KSV học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy, học hỏi thêm kinh nghiệm về tranh tụng tại phiên tòa. Viện KSND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ KSV 2 cấp. Trước mỗi vụ án, các KSV nghiên cứu kỹ nội dung, chứng cứ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi. Khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, KSV chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng, có lập luận sắc bén, đưa ra những chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp để chứng minh tội phạm và hành vi phạm tội của bị cáo, bảo vệ cáo trạng truy tố, dự kiến các tình huống phát sinh trong quá trình xét xử cũng như tranh luận đối đáp tại phiên tòa. Việc trình bày luận tội và tranh luận của KSV tại phiên tòa phải có chất lượng và sức thuyết phục đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Qua đó bảo đảm việc truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Cùng với việc quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng tranh tụng, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những thiếu sót, tồn tại của KSV…, Viện KSND tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ hướng dẫn kỹ năng tranh tụng cho Viện KSND các huyện, thành phố, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, hạn chế mức thấp nhất tình trạng sai sót, bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm nâng cao kỹ năng thẩm vấn và tranh tụng của KSV tại phiên tòa; kịp thời tổ chức họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa, coi đây là giải pháp tự đào tạo qua thực tiễn nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ và trách nhiệm của KSV. Thông qua việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, các bản cáo trạng, luận tội có chất lượng được phổ biến học tập. Viện KSND tỉnh thực hiện nghiêm quy định mỗi KSV phải đăng ký xét xử tranh tụng theo tinh thần cải cách mỗi năm 1 phiên tòa. Ngoài việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm có các KSV trong và ngoài đơn vị tham dự, Viện KSND tỉnh chỉ đạo Viện kiểm sát các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nội bộ trong đơn vị và tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa, coi việc tổ chức phiên tòa nội bộ là hoạt động thường xuyên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự để không chỉ phiên tòa rút kinh nghiệm mà các phiên tòa xét xử hình sự đều phải đảm bảo chất lượng hiệu quả. Trong năm 2015, toàn ngành KSND tỉnh đã tổ chức 88 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: “Hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa ngày càng được chú trọng, chất lượng tranh luận của KSV từng bước được nâng lên. Nội dung tranh tụng của KSV ngoài việc đưa ra những căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, còn phân tích phê phán thủ đoạn phạm tội, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra, góp phần làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, làm cho việc giải quyết các vụ án ngày càng có chất lượng, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, đã hạn chế được những thiếu sót trong quá trình xử lý các vụ án hình sự; không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội. Trong quá trình tranh tụng, KSV đã góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại phiên tòa”. Từ năm 2012 đến nay, Viện KSND hai cấp đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự 3.501 vụ với 5.672 bị cáo; trong đó, tỷ lệ số vụ Tòa án chấp nhận quan điểm về tội danh của Viện kiểm sát đạt 100%, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng