Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp.
|
Lực lượng cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh) luyện tập sẵn sàng chiến đấu. |
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Trong quá trình tổ chức thực hiện luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm biểu dương, khen thưởng những đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ. Gắn việc xây dựng các điển hình “Dân vận khéo” ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở từng địa phương, đơn vị; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị về thực hiện công tác dân vận, xây dựng các mô hình, điền hình “Dân vận khéo”. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.572 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 945 mô hình tập thể, 627 điển hình cá nhân đang hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Trên lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh đã triển khai, xây dựng được 278 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với nội dung bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động... Tiêu biểu như mô hình “Vận động hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo” của đồng chí Đỗ Văn Kinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đông (Hải Hậu). Thành công của mô hình là đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển đổi sản xuất muối thường sang sản xuất muối sạch. Từ 2ha làm điểm ban đầu, đến nay, phong trào đã vận động được hàng chục hộ dân khác cùng tham gia sản xuất muối sạch với tổng diện tích trên 50ha. Ngoài hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất muối thường từ 1,5 đến 1,7 lần, các hộ dân còn được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương. Bên cạnh việc chuyển đổi phương thức sản xuất, Hội Nông dân xã còn vận động các hội viên thành lập CLB nông dân nuôi thủy sản theo cách chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang xây dựng mô hình trang trại VAC. Ban chủ nhiệm CLB đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp về tư vấn cách xây dựng trang trại cho khoa học nhất; cách lựa chọn cơ cấu cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm CLB đại diện cho các thành viên tìm kiếm thị trường, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Theo đó hầu hết các trang trại chuyển đổi bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của các trang trại VAC tổng hợp tăng từ 7 đến 8 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Từ thành công này, Hội Nông dân xã còn tiếp tục vận động nhân dân thành lập CLB nông dân nuôi thủy sản số 2 để tập hợp các hộ dân chuyển đổi diện tích làm muối năng suất thấp sang nuôi tôm công nghiệp. Đến nay, toàn xã có 30,2ha chuyển đổi sản xuất với 67 hộ dân tham gia, cao gấp gần 20 lần so với diện tích chuyển đổi khởi đầu năm 2010. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác dân vận đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động nhằm xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, cơ quan có nếp sống văn hoá, xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu; phòng chống các tai, tệ nạn xã hội; làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, khuyến học, khuyến tài và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật tại địa phương… Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 481 mô hình trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiêu biểu như: mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đóng góp làm đường giao thông nông thôn” của Hội Cựu chiến binh Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); mô hình “Vận động nhân dân thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo, khuyến học, khuyến tài” của ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban bảo trợ hoạt động chữ thập đỏ huyện Ý Yên; mô hình “Vận động giáo dân lao động sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, tật tự an toàn xã hội” của Linh mục Phạm Văn Được, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng)… Trong đó mô hình “Vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi và làng nghề” của Chi bộ xóm 19, xã Giao Long (Giao Thủy) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Để thực hiện hiệu quả phong trào này, Chi bộ xóm 19 đã phân công đảng viên phối hợp với Ban công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, hiến đất phục vụ dự án giãn dân mở rộng làng nghề. Từ chỗ mỗi hộ gia đình canh tác từ 3 đến 4 mảnh ruộng manh mún, nay mỗi hộ gia đình canh tác trên 1 hoặc 2 mảnh ruộng lớn. Nhân dân đã dồn đổi ruộng cho nhau, củng cố toàn bộ hệ thống bờ vùng, bờ thửa; cùng bàn bạc, hiến cho tập thể gần 5 mẫu đất để mở rộng đường giao thông nội đồng và xây dựng các công trình phúc lợi. Đến nay, khu vực xóm 19 đã đào đắp 3.253m
3 đất với tổng số tiền trên 65 triệu đồng; 100% đường giao thông trong xóm được mở rộng đúng tiêu chí NTM, bê tông hóa và có điện thắp sáng. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự địa phương, đảm bảo an ninh trật tự. Các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; “Vì sự bình yên tuyến biển”... do các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành phát động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện. Tiêu biểu như các mô hình: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” của Ban Công an xã Yên Đồng (Ý Yên); mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khu dân cư vùng giáo tiên tiến và an toàn về an ninh trật tự” của Đồn Biên phòng Văn Lý, xã Hải Lý (Hải Hậu)... Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng chú trọng thực hiện thông qua việc xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng tới nhân dân; thu hút sự tham gia nhiệt tình của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành việc làm thường xuyên, đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Ban Dân vận các cấp chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức về vai trò của phong trào. Thực hiện việc đánh giá, công nhận điển hình “Dân vận khéo” sát thực tế, bảo đảm các tiêu chí theo hướng dẫn cũng như khen thưởng kịp thời, chọn điển hình để nhân rộng tạo động lực tốt hơn thúc đẩy phong trào./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng