Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Xuân Trường đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo đến các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Cty TNHH Anh Khoa, xã Xuân Tiến chuyên sản xuất máy chế biến thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 30 lao động và nhiều lao động thời vụ. |
Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện được kiện toàn, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện đồng bộ các chương trình, mục tiêu giảm nghèo và đề ra nhiều giải pháp giảm nghèo cụ thể như: Xây dựng các đề án, dự án, mô hình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với điều kiện và tiềm năng của địa phương. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tuyên truyền làm thay đổi tư duy, cải thiện trình độ sản xuất của người dân; giải quyết việc làm và tạo điều kiện cho người dân vay các nguồn vốn ưu đãi. Là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, Phòng LĐ-TB và XH huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các xã, thị trấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng. Qua tổng hợp số liệu khảo sát từ các xã, thị trấn, UBND huyện xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, với các giải pháp hỗ trợ cụ thể như: Tạo điều kiện để người nghèo và hộ nghèo tiếp cận các chương trình tín dụng; hỗ trợ xây dựng nhà ở; xây dựng các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo có hiệu quả; hỗ trợ phương tiện sản xuất, giống cây trồng và vật nuôi kết hợp với việc tuyên truyền định hướng, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; ưu tiên dạy nghề cho người nghèo trong độ tuổi lao động nhằm giải quyết việc làm, tạo việc làm mới… Để giúp các xã, thị trấn thực hiện tốt các chế độ, chính sách giảm nghèo của Nhà nước, UBND huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở về kỹ năng lập kế hoạch giảm nghèo; theo dõi quản lý và đánh giá các chương trình giảm nghèo; quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; kỹ năng đối thoại với người nghèo và các văn bản, chính sách về công tác giảm nghèo. Nhờ đó, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã đến được với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và có tác động thiết thực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, toàn huyện có 6.393 người thuộc diện hộ nghèo, 10.223 thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, giúp người nghèo, cận nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập khi ốm đau. Đối với chính sách hỗ trợ GD và ĐT, mỗi năm, toàn huyện có khoảng 1.000 học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện đều được triển khai đúng đối tượng. Ngoài ra, hộ nghèo còn được vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, được tham gia các chương trình khuyến nông, khuyến ngư… Hằng năm, có hàng chục hộ nghèo trong huyện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở từ nguồn Quỹ Vì người nghèo; hàng nghìn lượt lao động thuộc hộ nghèo được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nông, ngư nghiệp... Để hỗ trợ hộ nghèo do thiếu việc làm và thiếu vốn, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó ưu tiên đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ có cơ hội việc làm, có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hằng năm, huyện tổ chức thực hiện tốt Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời trích ngân sách hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho người lao động, trong đó, ưu tiên đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Năm 2015, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 640 lao động nông thôn, người nghèo theo Đề án 1956; chỉ đạo các ngành, đoàn thể trong huyện dạy nghề cho 2.954 lao động; khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động dạy nghề, truyền nghề cho người lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 60,2%. Qua các khóa đào tạo, đã giúp người lao động nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản của ngành nghề, có khả năng làm việc trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm, có thêm thu nhập. Nhằm giúp các hộ nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đến 100% các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi của Nhà nước. Hoạt động cho vay vốn, tín dụng được gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Việc cung ứng vốn cho nhu cầu vay của các hộ nghèo trên địa bàn huyện được đáp ứng đủ và kịp thời qua nhiều kênh. Do đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo của huyện Xuân Trường đã tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Hiện nay toàn huyện chỉ còn 1.267 hộ nghèo, chiếm 3,1% tổng số hộ dân (theo chuẩn nghèo cũ)./.
Bài và ảnh:
Minh Tân