Hội Phụ nữ xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) hiện có 1.165 hội viên; trong đó 80% hội viên chủ yếu làm nông nghiệp; đời sống của cán bộ, hội viên còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh phong trào hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với nhiều hoạt động thiết thực, vận động hội viên xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
|
Chi hội phụ nữ xóm 10, xã Mỹ Hưng phát triển nghề mây tre đan truyền thống tạo việc làm cho hàng trăm hội viên với thu nhập 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. |
Chị Đặng Thị Dinh, hội viên chi hội 6, xã Mỹ Hưng trước đây thuộc diện hộ nghèo. Với mấy sào ruộng khoán, thu nhập của hai vợ chồng chị không đủ nuôi 2 con ăn học, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp chị có vốn xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả phát triển kinh tế gia đình, hằng năm, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện để chị tham gia các lớp chuyển giao KHKT về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… do Hội phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn tạo điều kiện cho chị vay 20 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm để xây dựng mô hình gia trại với quy mô 60m
2 chăn nuôi lợn và gà; đào 5 sào ao thả hàng nghìn đầu cá trắm, chép. Bình quân mỗi năm, gia đình chị xuất bán 5 lứa lợn, 5 lứa cá, 2 lứa gà thịt. Doanh thu bình quân hằng năm của gia đình chị đạt gần 200 triệu đồng; trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, chị có điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học; hiện con lớn của chị đã ra trường và có việc làm ổn định, con nhỏ của chị đang học đại học năm thứ 2. Chị Dinh chia sẻ: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ tổ chức và hỗ trợ vay vốn giúp chị có điều kiện xây dựng mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả, kinh tế gia đình từ đó đã được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, trên địa bàn xã, phần lớn hội viên của chi hội 1, 2, 3 tập trung phát triển mô hình trang trại, gia trại với tổng số 31 hộ quy mô từ trên 60m
2 đến 7,5 mẫu. Các mô hình chăn nuôi đều đạt hiệu quả cho thu nhập bình quân từ 100 đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 10 mô hình xay xát chế biến lương thực, thực phẩm với doanh thu 50-100 triệu đồng/năm; 6 mô hình làm dép, mỗi mô hình tạo việc làm cho từ 20-100 công nhân lao động, trong đó 50% người lao động là phụ nữ với mức thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên chi hội 10 duy trì và phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ trong xóm với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên đã nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
Để triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đạt hiệu quả, Hội LHPN xã đã phát động nhiều phong trào thi đua như: “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”... thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Theo đó, đối với việc hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế, Hội Phụ nữ các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, áp dụng KHKT vào sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cao phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra nhận ủy thác và tín chấp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ vay vốn. Tính đến nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý trên 3 tỷ 400 triệu đồng hỗ trợ cho trên 250 lượt cán bộ, hội viên vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo điều kiện cho con cái hội viên học hành… Ngoài ra Hội còn vận động hội viên tham gia thực hành tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo được vay vốn không lãi phát triển kinh tế. Hiện toàn xã đã thành lập 20 nhóm tiết kiệm với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho 240 hội viên vay vốn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hội viên. Bình quân, các cấp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức trên 20 lớp mỗi năm. Từ đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Bài và ảnh:
Hoàng Dung