Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), trong đó phong trào xây dựng thôn, xóm văn hóa, gia đình văn hóa ở xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
|
Gia đình ông Đỗ Đức Việm, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam là gia đình văn hóa tiêu biểu làm kinh tế giỏi nhiều năm liền ở địa phương. |
Đồng chí Bùi Tiến Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Nam cho biết: Với đặc thù là vùng quê thuần nông, Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” xã đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào xây dựng thôn, xóm văn hóa, gia đình văn hóa. Trong đó đã đưa các nội dung, tiêu chí của phong trào với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các ngành, đoàn thể, tạo sự gắn kết của phong trào với đời sống kinh tế - xã hội, quy tụ các tầng lớp nhân dân tham gia. Bám sát các quy định, tiêu chuẩn theo Quyết định 17 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, BCĐ phong trào “TDĐKXDĐSVH” xã đã chỉ đạo các xóm bổ sung, sửa đổi hương ước và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong hương ước của các xóm đều có các điều khoản rõ ràng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để nhân dân thực hiện. Đến nay, việc tổ chức việc cưới, việc tang trên địa bàn xã đã đi vào nền nếp, các tập tục lạc hậu bị xoá bỏ; các lễ hội diễn ra lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, 18/19 thôn, xóm trong xã đã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, 4 trường học, 1 trạm y tế xã đạt danh hiệu “Cơ quan có nếp sống văn hóa”, 2.210/2.600 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 85%). Xóm Tây An, thôn Hưng Thịnh là một trong những đơn vị đầu tiên của xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá (NSVH) của xóm được thành lập, phối hợp với các chi hội: Nông dân, Phụ nữ, CCB, Đoàn Thanh niên… tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm văn hóa... Đến nay, xóm duy trì tỷ lệ hộ dân đạt gia đình văn hóa hằng năm trên 90%. Xóm Châu Thành Tây, thôn Sa Thượng có 167 hộ dân. Thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”, công tác an ninh của xóm luôn được đảm bảo, nhân dân trong xóm kiên quyết phê bình và đấu tranh chống các biểu hiện sai trái như mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, nhiều năm liền xóm không có gia đình sinh con thứ 3, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%. Năm 2013, xóm được UBND huyện công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” tại Hoàng Nam đã góp phần tạo sự gắn kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong nhân dân để lao động sản xuất và xây dựng đời sống. Từ năm 2000 đến nay, quỹ vì người nghèo của xã có trên 500 triệu đồng, trong đó gần 100 triệu đồng do nhân dân địa phương đóng góp. Từ nguồn kinh phí đó, xã đã xây dựng 7 Nhà Tình nghĩa, 15 Nhà Đại đoàn kết, sửa chữa nâng cấp 29 ngôi nhà, giúp 34 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất… Ngoài ra, quỹ khuyến học, khuyến tài của xã từ năm 1995 đến nay đã vận động gần 350 triệu đồng phát thưởng cho hàng nghìn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, học sinh thi đỗ các trường cao đẳng, đại học. Nhiều gia đình văn hóa đi đầu trong phát triển kinh tế, giúp đỡ các hộ gia đình khác về kinh nghiệm sản xuất như gia đình các ông: Đỗ Đức Việm, thôn Hưng Thịnh; Bùi Văn Dũng, Ninh Văn Miễn, thôn Sa Hạ; Vũ Khắc Huấn, thôn Hà Dương. Triển khai xây dựng thiết chế văn hóa, hiện nay 18/19 thôn, xóm của xã đã xây dựng và cải tạo lại NVH bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của xã (30% giá trị công trình) và sự đóng góp của nhân dân. Các NVH xóm đều được trang bị đầy đủ bàn, ghế, loa đài, tủ sách… phục vụ việc hội họp của chi bộ Đảng, các đoàn thể và sinh hoạt của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương. Đến nay, xã có 1 đội chèo, 1 đội múa rồng, 1 CLB thơ NCT, 1 CLB Thức vũ kinh NCT, cả 19 thôn, xóm đều có đội văn nghệ. Từ nhiều năm qua, xã duy trì các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng vào các dịp đầu xuân, ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước với sự tham gia của cả 19 thôn, xóm. Trên địa bàn xã có 2 di tích được xếp hạng gồm: Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền, chùa Hưng Thịnh và Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền, chùa Hà Dương. Cùng với việc huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, Ban quản lý di tích xã đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và đông đảo khách thập phương. Tại các lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian từng bước được khôi phục. Tại di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền, chùa Hưng Thịnh, vào dịp lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng 8 âm lịch, ngoài phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: bắt vịt, gà chọi, tổ tôm, múa rồng... Ở di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền, chùa Hà Dương, lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng, ngoài việc tế lễ, rước kiệu, phần hội còn tổ chức các môn nghệ thuật và trò chơi dân gian như: nặn tò he, thi đấu cờ người, tổ tôm...
Với sự tập trung lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, xã Hoàng Nam đã trở thành một trong những điểm sáng của huyện về phong trào “TDĐKXDĐSVH”, tạo khí thế để nhân dân tích cực lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh:
Viết Dư