Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, huyện Giao Thủy luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng; đồng thời đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công.
Đồng chí Bùi Hữu Nghị, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB và XH huyện Giao Thủy cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 9.260 đối tượng chính sách, trong đó có 15 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng LLVTND, 1 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 1.158 thương binh, 1.032 bệnh binh, 1.412 gia đình liệt sĩ, 1.905 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các đối tượng khác. Để thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, huyện Giao Thủy chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến. Phòng LĐ-TB và XH huyện hiện đang thực hiện chế độ chi trả trợ cấp hằng tháng cho 6.105 người với tổng số tiền trên trên 9,6 tỷ đồng/tháng. Cùng với việc thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên đầy đủ, kịp thời, đúng quy định cho các đối tượng chính sách, hằng năm Phòng LĐ-TB và XH huyện đều chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách người có công như: cấp thẻ BHYT, thực hiện chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, lập hồ sơ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách… Năm 2015, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã phối hợp với BHXH huyện rà soát, tiến hành cấp đổi thẻ BHYT cho 9.260 đối tượng người có công bảo đảm chính xác, kịp thời; thực hiện chế độ điều dưỡng cho 3.386 đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước, với tổng số tiền 3,9 tỷ đồng, trong đó 213 người đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng Sầm Sơn Thanh Hóa, 3.173 người điều dưỡng tại gia đình; chi trả tiền trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 72 thương binh. Cũng trong năm 2015, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ ưu đãi học sinh, sinh viên là con người có công cho 950 lượt trường hợp, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai thực hiện các chế độ, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Trong 2 năm 2014-2015, Phòng LĐ-TB và XH huyện đã thẩm định hồ sơ, đề nghị và được Nhà nước phong tặng, truy tặng 62 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong năm 2015, toàn huyện đã giải quyết các chế độ trợ cấp một lần cho khoảng 1.000 lượt đối tượng chính sách như: Lập thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng thân nhân người có công, thanh niên xung phong theo Quyết định 40 và Quyết định 290; trợ cấp một lần cho quân nhân theo Nghị định 150/2006/NĐ-CP; trợ cấp một lần cho người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975 đã phục viên xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg; mai táng phí cho các đối tượng chính sách trong diện… với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm, huyện tổ chức chuyển quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến 6.437 đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: mít tinh kỷ niệm, viếng tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh tiêu biểu trên địa bàn huyện khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện ưu tiên về ruộng đất, hỗ trợ về ngày công lao động; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp..., giúp các đối tượng chính sách phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập; giải quyết chính sách và tạo điều kiện cho con em đối tượng chính sách được học hành, được bố trí việc làm. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, đóng góp quỹ “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”; ủng hộ tiền và ngày công xây dựng Nhà Tình nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ… Những việc làm này đã trở thành ý thức của mỗi người dân, thành nét đẹp trong đời sống văn hoá, phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trên địa bàn huyện tham gia chăm lo cho người có công.
Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy có kế hoạch đi thăm, tặng 140 suất quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh nặng, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 400 nghìn đồng. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tham gia chăm sóc, tặng quà các gia đình chính sách, thể hiện tấm lòng tri ân với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Minh Tân