Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch tâm linh

06:01, 02/01/2016

Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử - văn hoá và đa dạng các lễ hội truyền thống, tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch tâm linh. Để khai thác hiệu quả loại hình du lịch này, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch, các lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; tranh thủ các nguồn lực Trung ương để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Nhiều lễ hội lớn của tỉnh như Chợ Viềng xuân Vụ Bản, Chợ Viềng xuân Nam Giang (Nam Trực), Lễ khai ấn Đền Trần, Lễ hội truyền thống Đền Trần (TP Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản)… được đổi mới. Nhờ vậy số lượng du khách đến các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh tăng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu du khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh.

Các điểm di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản) luôn thu hút đông đảo khách thập phương.
Các điểm di tích thuộc Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản) luôn thu hút đông đảo khách thập phương.

Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, năm 2015, lượng khách tham dự lễ hội và tham quan các di tích của tỉnh đạt 1 triệu 340 nghìn lượt người, bằng 61,6% tổng lượng khách đến với tỉnh là 2 triệu 175 nghìn lượt người. Tuy nhiên du lịch tâm linh ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Du khách mới chỉ dừng lại ở việc hành hương, chiêm bái, tham quan các điểm đến mà chưa có được những trải nghiệm văn hoá thực sự. Nhiều du khách cho rằng, họ thấy na ná giống nhau giữa các điểm lịch sử - văn hoá như đình, đền, chùa, miếu, phủ mà không tìm ra được bản sắc riêng của từng nơi; công tác tổ chức lễ hội ở nhiều di tích năm sau giống như năm trước gây nhàm chán. Bên cạnh đó, lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tập trung chủ yếu vào dịp lễ hội mùa xuân, thời điểm khác trong năm rất ít. Số lượng khách mặc dù tăng trưởng đều nhưng doanh thu từ chi trả của du khách chưa cao. Năm 2015, doanh thu từ du khách dự và mua sắm tại lễ hội của tỉnh chỉ đạt 85 tỷ đồng, bằng 16,3% so với tổng doanh thu du lịch là 520 tỷ đồng. Nguyên nhân do du khách đến các điểm du lịch tâm linh của tỉnh hầu như không phải trả các loại phí, từ vé vào cửa di tích, dịch vụ vệ sinh môi trường…; các điểm du lịch tâm linh thiếu các dịch vụ phục vụ khách. Anh Nguyễn Đình Nam, hướng dẫn viên Cty CP Du lịch lữ hành Nam An tại Hà Nội cho biết: “Hiện Cty chúng tôi cung cấp tour du lịch một ngày từ Hà Nội đến các Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) và Phủ Dầy (Vụ Bản) với giá chỉ 395 nghìn đồng/người. Biết là giá tour rẻ nhưng Cty có muốn nâng giá cũng khó vì nhu cầu khách chỉ đi lễ rồi về, không nghỉ ở các cơ sở lưu trú du lịch, không có các điểm vui chơi giải trí để du khách có thể ở lại”. Một nguyên nhân nữa dẫn tới lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh của tỉnh chưa cao là các khu, điểm du lịch tâm linh còn thiếu hệ thống chỉ dẫn thông tin gây khó khăn cho du khách. Mặc dù các cơ quan chức năng đã xử lý quyết liệt nhưng tình trạng ăn xin, xem bói, đổi tiền mệnh giá nhỏ, ách tắc giao thông… vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến tâm lý du khách…

Khó khăn trong phát triển du lịch tâm linh của tỉnh cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Hội thảo phát triển tuyến du lịch tâm linh Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam do Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT và DL) tổ chức tại tỉnh Ninh Bình cuối tháng 10-2015 nhằm tìm các giải pháp tăng cường khai thác giá trị của các điểm di tích tín ngưỡng cho phát triển du lịch tâm linh của khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo ý kiến của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành tham dự hội thảo, để khai thác tiềm năng du lịch tâm linh trong thời gian tới các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng cần đẩy mạnh việc liên kết với nhau, giữa các địa phương với các doanh nghiệp lữ hành trong việc lựa chọn được điểm nhấn các di tích, lễ hội tiêu biểu, có cùng nội dung tìm hiểu, khoảng cách địa lý gần nhau giữa các địa phương để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tuyến du lịch tâm linh. Điển hình như có thể xây dựng tour tìm hiểu về lịch sử nhà Trần qua Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định) - Đền Trần ở Hưng Hà (Thái Bình) - Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh); chương trình tìm hiểu về Đức Thánh Trần Hưng Đạo qua Đền Bảo Lộc, Đền Cố Trạch (Nam Định) - Đền A Sào (Thái Bình) - Đền Kiếp Bạc (Hải Dương)… Sự gắn kết giữa các khu, điểm du lịch tâm linh không chỉ là cơ sở để tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng mà qua đó giúp các địa phương quảng bá tiềm năng du lịch, kéo dài thời gian tham quan của du khách, tăng doanh thu cho doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống. Các địa phương cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch vào mùa du lịch thấp điểm qua việc giảm giá vé vào cửa, nâng cao chất lượng phục vụ; kết hợp nhiều hình thức du lịch như đến thăm Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Phủ Dầy (Vụ Bản) để vừa đi lễ, vừa có thể tham dự, thưởng thức, nghiên cứu về nghệ thuật hát văn, hầu đồng... Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, nhất là những hộ dân ở quanh các khu, điểm du lịch tâm linh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ di tích; khuyến khích thực hiện công tác xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo các di tích theo đúng quy định của Nhà nước, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu “điểm đến”. Tổng cục Du lịch và các địa phương cần phối hợp với các Cty lữ hành trang bị cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch kiến thức về lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa… để truyền đạt cho khách du lịch. Các địa phương cần thực hiện tốt công tác tổ chức lễ hội, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm, có biện pháp ngăn chặn các tệ nạn xã hội như móc túi, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, lưu hành văn hoá phẩm trái phép… Tại mỗi khu du lịch, khu di tích cần có những biển chỉ dẫn, chỉ báo cụ thể bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

Ngay sau hội thảo, Tổng cục Du lịch đã tổ chức cho các ngành chức năng, các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư thực hiện chương trình khảo sát điểm du lịch tâm linh nổi bật và quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tại tỉnh ta, đoàn đã đi khảo sát Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định), Đền Bảo Lộc (Mỹ Lộc), Vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ), Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) để từ đó định hướng cho tỉnh liên kết, phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch hấp dẫn… nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch tâm linh, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com