Bảo hộ lao động cho công nhân ngành Xây dựng

09:01, 26/01/2016
Công đoàn ngành Xây dựng hiện đang quản lý 28 công đoàn cơ sở trực thuộc với hơn 1.500 CNVCLĐ làm các công việc như: thi công xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, kiểm định. Công nhân lao động phần lớn phải làm việc ngoài trời và trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Vì vậy, công đoàn ngành Xây dựng luôn chú trọng công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho công nhân.
Công nhân xây dựng cần trang thiết bị bảo hộ lao động thiết yếu để đảm bảo ATVSLĐ.
Công nhân xây dựng cần trang thiết bị bảo hộ lao động thiết yếu để đảm bảo ATVSLĐ.
Hằng năm, công đoàn ngành đều chỉ đạo các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với chuyên môn kiện toàn hội đồng bảo hộ lao động, phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên; đồng thời gửi văn bản hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ; hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp cùng lãnh đạo, chuyên môn đồng cấp tiến hành tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ tại đơn vị mình. Nhiều đơn vị đã xây dựng nội quy, hướng dẫn quy trình sử dụng máy móc, thiết bị; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người lao động nghiêm túc chấp hành, tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền về pháp luật lao động, các chế độ, chính sách về bảo hộ lao động, ATVSLĐ; tập huấn công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ ở các đơn vị được đẩy mạnh. Qua đó vận động cán bộ, CNVCLĐ nâng cao ý thức về sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, vệ sinh công nghiệp, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đảm bảo ATVSLĐ. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân, nhất là công nhân đội thi công. Công đoàn ngành còn phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đăng ký thi đua an toàn với phương châm “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”; kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn vệ sinh công nghiệp, việc thực hiện chế độ chính sách, chấp hành nội quy quy định trong thực hiện công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ ở công đoàn cơ sở, khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích về công tác bảo hộ lao động. Công đoàn ngành còn thường xuyên quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, chế độ bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ cho CNVCLĐ của ngành. Đối với người lao động ở từng lĩnh vực ngành nghề đều có định mức lao động đảm bảo hài hòa và hợp lý với sức khỏe. Đặc biệt, công nhân lao động làm việc trực tiếp ở các công trình thi công được trang bị, tập huấn đầy đủ về công tác bảo hộ lao động và được trang bị mũ bảo hiểm, giầy bảo hộ, dây đai an toàn, găng tay, quần áo bảo hộ lao động nhằm đảm bảo ATVSLĐ cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã kiến nghị và phối hợp với chuyên môn áp dụng các công nghệ mới với thiết bị hiện đại, có tính năng tự động hóa và năng suất lao động cao như sử dụng các loại cần cẩu tháp, cần trục, máy nâng hạ trong thi công, giàn giáo thép, góp phần đáng kể giảm nhẹ sức lao động và đảm bảo an toàn cho người lao động. Trong các đội thi công di động theo công trình, đội trưởng đội thi công của các đơn vị là đội ngũ an toàn vệ sinh viên, chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền bảo hộ lao động, đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động. Đối với các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, công đoàn ngành chỉ đạo công đoàn cơ sở thường xuyên phối hợp với chuyên môn quan tâm đảm bảo đủ ánh sáng, giảm tiếng ồn, giảm nồng độ bụi, trồng thêm cây xanh cho môi trường luôn thông thoáng, sạch đẹp. Tiêu biểu như Cty CP Bạch Đằng. Với đặc thù chuyên sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng, công nhân thường xuyên tiếp xúc với sợi a-mi-ăng, bụi, tiếng ồn, độ rung, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe người lao động, công đoàn Cty phối hợp với chuyên môn thường xuyên quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người lao động bằng những việc làm thiết thực: Duy trì khám sức khỏe định kỳ cho công nhân ít nhất 1 lần/năm; sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động. Tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và trang bị đầy đủ phương tiện bảo hiểm cá nhân cho người lao động. Đầu tư thiết kế lắp đặt hệ thống quạt, trần cách nhiệt, chống nóng cho các xưởng sản xuất và hệ thống giảm âm, tiếng ồn. Công đoàn cùng với chuyên môn còn ban hành quy định về việc thực hiện ATVSLĐ, những công nhân thực hiện không đúng quy định đều có hình thức xử phạt phù hợp với mức độ vi phạm. Ngoài ra, công đoàn cùng với chuyên môn còn dành khoảng 2 tỷ đồng/năm để cải thiện môi trường làm việc cho người lao động như: bê tông hóa đường, trồng nhiều cây xanh; đầu tư hệ thống máy nghiền hiện đại, hạn chế tối đa khối lượng bụi độc hại khi nghiền các chất định hình tấm lợp a-mi-ăng; đầu tư hệ thống tự động tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, giảm lượng nước sử dụng, không xả nước thải có tồn dư hóa chất ra môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Các vị trí nguy hiểm được rào chắn, cảnh báo rõ ràng hoặc cải tạo nhằm giảm mức độ nguy hại. Các bảng chỉ dẫn vận hành máy móc, thiết bị nguy hiểm, nội quy an toàn, biển cảnh báo, biển cấm treo tại vị trí dễ nhìn giúp người lao động phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
 
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, các công đoàn cơ sở thuộc công đoàn ngành Xây dựng đã góp phần đưa công tác ATVSLĐ ngày càng đi vào nền nếp. Số vụ tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng giảm rõ rệt. Ý thức chấp hành nghiêm quy trình an toàn lao động của công nhân lao động ngày càng được nâng cao./.
 
Bài và ảnh: Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com