Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Giao Tân (Giao Thủy) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Hệ thống nhà văn hóa (NVH), sân vận động thôn, xóm đã được xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã phát huy hiệu quả hoạt động, làm nền tảng cho phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển.
|
Ông Vũ Tân Cương (bên phải), xóm 1, xã Giao Tân trồng cây cảnh nghệ thuật cho giá trị kinh tế cao. |
Từ năm 2002, xóm 6 được UBND xã chọn làm mô hình điểm xã hội hóa xây dựng NVH, sân thể thao trên diện tích 1.000m
2. Từ mô hình vận động nhân dân xây dựng NVH ở xóm 6, đến nay, cả 12 xóm trong xã đều có NVH được xây dựng trên diện tích từ 500-1.000m
2 với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Ngoài ra, ở tất cả các NVH xóm trong xã đều trang bị hộp thư góp ý để cấp ủy xóm tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm xây dựng thôn, xóm bình yên, vững mạnh. Hiện có 50% NVH thôn, xóm trong xã được trang bị tủ sách bao gồm sách pháp luật, các đầu sách về nông nghiệp giúp người dân có thêm tài liệu tham khảo để vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Tiêu biểu trong công tác vận động nhân dân xây dựng NVH là xóm 1. Để người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi xây dựng NVH xóm, thực hiện nghị quyết của chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận xóm đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương xây dựng NVH để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Chủ trương xây dựng NVH xóm đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, NVH xóm 1 đã được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong thực hiện xã hội hóa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của xã, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu gương mẫu, đi đầu trong việc vận động nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng công trình văn hóa… Ông Lưu Công Ninh, Phó bí thư chi bộ xóm 12 luôn hết lòng với công việc chung. Ông là người đi đầu trong công tác vận động nhân dân đóng góp, xây dựng các thiết chế văn hóa của xóm và khôi phục, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương. Bên cạnh đó, ông còn đứng ra vận động những người con xa quê ủng hộ gần 60 triệu đồng xây dựng đường dong xóm thuận tiện cho nhân dân đi lại. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng NVH là cơ sở để nhiều CLB, đội văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển. Hiện toàn xã có 1 CLB chèo, 1 đội văn nghệ thanh niên xung kích, 12 đội văn nghệ quần chúng ở các xóm, 1 đội nhạc lễ dân gian. Các CLB văn nghệ của xã đều xây dựng quy chế hoạt động, tự mua sắm trang phục và các trang thiết bị để hoạt động. Đội chèo xã Giao Tân có trên 10 thành viên, với những diễn viên, nhạc công có kinh nghiệm ở địa phương tiêu biểu như các bác: Công Ninh, Văn Nhưng, Vũ Liên, Đinh Thoa, Thúy Nụ, Bùi Đa… Đội đã dàn dựng nhiều tiết mục đặc sắc, trong đó có các trích đoạn chèo cổ như: “Trương Viên”, “Trần Quốc Toản ra quân”. Đội thường biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết, các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Đội văn nghệ thanh niên xung kích xã với 30 thành viên chuyên dàn dựng các ca khúc cách mạng. Những ca khúc như: “Giai điệu Tổ quốc”, “Đất nước lời ru” được đội dàn dựng công phu, biểu diễn trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, tạo ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. Đội nhạc lễ dân gian xã Giao Tân gồm 8 thành viên là những người đam mê với các nhạc cụ dân tộc thường biểu diễn vào những dịp lễ hội ở địa phương. Cùng với sự phát triển của các đội văn nghệ, trên địa bàn xã còn thành lập các đội, CLB thể thao; tiêu biểu như: Đội bóng chuyền nam, đội bóng chuyền Hội CCB, đội cầu lông; 3 CLB dưỡng sinh người cao tuổi. Để duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, ngoài nguồn kinh phí do xã hỗ trợ, các CLB văn nghệ, thể thao đều hoạt động với sự tự nguyện đóng góp công sức của hội viên và nhân dân địa phương. Vào mỗi dịp lễ, tết, các đội văn nghệ, TDTT trong xã lại rộn ràng tập luyện các tiết mục văn nghệ, tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, TDTT quần chúng. Tại di tích lịch sử - văn hóa đình làng Quân Lợi vào dịp tháng giêng hằng năm đều tổ chức giải bóng chuyền gồm 3 xóm: 7, 8, 9 thu hút hàng trăm người dân đến theo dõi, cổ vũ. Vào dịp Tết Trung thu, cả 12 xóm đều đóng góp các tiết mục văn nghệ tiêu biểu biểu diễn phục vụ nhân dân. Đồng chí Đỗ Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ kết quả trong xã hội hóa công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở địa phương đã khẳng định rõ vai trò chủ thể của người dân. Kinh nghiệm của xã Giao Tân trong quá trình xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa là phải thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Việc quan tâm chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở Giao Tân đã tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, tạo khí thế để nhân dân tích cực lao động, sản xuất đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh:
Viết Dư