Những năm qua, công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).
|
Sản xuất tại Cty CP May Nam Định. |
Trong năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh do LĐLĐ tỉnh chủ trì đã tiến hành 2 đợt giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH và quy chế dân chủ ở cơ sở tại 19 đơn vị, DN. Qua 2 đợt giám sát cho thấy, các DN đã đảm bảo việc làm ổn định cho NLĐ, thực hiện khá tốt các quy định của Bộ luật Lao động, Luật BHXH; việc ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ cơ bản đảm bảo theo quy định; đã áp dụng mức tiền lương tối thiểu vùng của Nhà nước làm căn cứ trả lương cho NLĐ; lập bảng chấm công thanh toán lương và trả lương đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ; đã tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho phần lớn lao động và giải quyết kịp thời các chế độ ngắn hạn cho NLĐ. Một số DN khi nhận được kế hoạch giám sát đã cân đối nguồn kinh phí đóng kịp thời tiền nợ đọng BHXH cho cơ quan BHXH (Cty CP May 1, Cty CP May 9 với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng). Cơ bản các DN đã tổ chức triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn cũng còn những hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Khi xem xét thực tế các HĐLĐ đã ký kết, một số nội dung của HĐLĐ quy định về quyền lợi của NLĐ ghi chung chung hoặc còn để trống; nhiều nội dung ghi chưa đúng quy định; thời gian thử việc đối với một số NLĐ nhiều hơn quy định của Bộ luật Lao động; NLĐ làm công việc có tính chất thường xuyên nhưng Cty ký kết HĐLĐ thời vụ dưới 3 tháng, có 2 DN chưa ký HĐLĐ đối với lao động làm việc thường xuyên tại đơn vị. Về thực hiện chế độ tiền lương, có DN chưa xây dựng, đăng ký thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định; một số DN chưa xây dựng quy chế trả lương, trả thưởng, quy chế nâng lương, nâng bậc cho NLĐ. Cá biệt có DN trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định cho số ít lao động. Về thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ, một số DN chưa tính trả tiền BHXH vào lương cho HĐLĐ thử việc thuộc đối tượng không bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nam Định và Cty TNHH Smart Shirts Garments manufacturing. Riêng Cty CP Dược phẩm Trường Thọ tuyển dụng 100% lao động đã qua đào tạo, tuy nhiên khi đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ chỉ tính bằng mức lương tối thiểu vùng là 2 triệu 750 nghìn đồng (mức tiền lương áp dụng với đối tượng chưa qua đào tạo); mặt khác đối với các lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại cũng chưa được Cty đăng ký mức đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định. Ngoài ra, hầu hết các DN đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ tương ứng với mức tiền lương thấp hơn so với nhiều mức tiền lương thực tế. Vẫn còn 9/19 DN nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền nợ trên 7 tỷ đồng... Qua giám sát cho thấy, nguyên nhân của những vấn đề tồn tại trên là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN những năm gần đây gặp nhiều khó khăn; một số DN chậm nộp BHXH do khách hàng không thanh toán kịp thời theo hợp đồng kinh tế hoặc do gặp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, do tái cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các DN còn khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là các DN dệt may. Nhận thức của NLĐ về pháp luật lao động, Luật BHXH chưa đầy đủ dẫn đến nhiều NLĐ không muốn tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Trước thực tế trên, Đoàn giám sát đã đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có các giải pháp hoặc kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, giúp DN thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn cho NLĐ như: Đề nghị Nhà nước nghiên cứu xem xét điều chỉnh đối tượng NLĐ ký HĐLĐ thời vụ từ đủ 3 tháng đến 12 tháng trong lĩnh vực xây dựng không phải tham gia BHXH bắt buộc, bởi vì đối tượng này chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động lớn tuổi và nguyện vọng của NLĐ có nhu cầu không tham gia BHXH bắt buộc. Đề nghị Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN đầu tư sản xuất về địa bàn nông thôn; chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với LĐLĐ tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn cho cán bộ quản lý DN, cán bộ công đoàn và NLĐ. Kiến nghị Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc cho phù hợp với thực tiễn của DN (từ 3 tháng/lần lên 6 tháng/lần), bởi vì hiện nay nếu tổ chức 3 tháng/lần thì các DN rất khó khăn về thời gian ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng