Thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về ATVSLĐ. Trong đó đã tập trung triển khai hoạt động huấn luyện công tác ATVSLĐ cho các chủ doanh nghiệp, người lao động, nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
|
Nhà máy may Đại Thắng thuộc Cty CP May IV (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) thường xuyên tuyên truyền cho người lao động thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN. |
Hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN, đặc biệt là việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp; hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, trang bị kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là người lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Năm 2015, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức 24 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho 1.546 lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 3 lớp tập huấn nghiệp vụ về ATVSLĐ cho 171 người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản; 2 lớp tập huấn về xây dựng mô hình ATVSLĐ cho 110 người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Nam Trực. Tại các lớp tập huấn, các học viên được quán triệt mục đích, ý nghĩa công tác ATVSLĐ; những quy định của pháp luật về ATVSLĐ như quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành quy định về ATVSLĐ; chính sách, chế độ bảo hộ lao động đối với người lao động; huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho các doanh nghiệp; phương pháp xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ, xây dựng nội quy ATLĐ, VSLĐ; các yếu tố nguy hiểm, có hại tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; những kiến thức cơ bản về kỹ thuật ATLĐ, VSLĐ; phương pháp tự kiểm tra ATVSLĐ, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, các nguy cơ mất ATVSLĐ tại cơ sở; cách xử lý tình huống và các phương pháp sơ cứu người bị tai nạn lao động… Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp cũng như người lao động nâng cao nhận thức về vấn đề ATVSLĐ và tự giác thực hiện, đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ. Phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị đã xây dựng, triển khai nghiêm túc công tác ATVSLĐ-PCCN; đầu tư lắp đặt trang thiết bị cải thiện điều kiện làm việc như máy thông gió, làm mát, hút bụi, đèn chiếu sáng, bình bọt chữa cháy, cung cấp bảo hộ lao động… cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tự tổ chức huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ-PCCN cho người lao động, nhất là lao động làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ cho 60 cán bộ làm công tác ATVSLĐ các huyện, thành phố. Trong năm, các huyện, thành phố đã tổ chức 173 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho gần 20 nghìn người là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức 17 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho gần 1.000 lao động. Công tác ATVSLĐ ở các doanh nghiệp đã dần đi vào nền nếp. Nhiều doanh nghiệp duy trì việc tuyên truyền kiến thức về ATVSLĐ nói riêng, pháp luật lao động nói chung cho người lao động thông qua “góc an toàn”, “phòng truyền thông về an toàn”, qua hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin… Tiêu biểu như các doanh nghiệp: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; Cty CP Dược phẩm Minh Dân, Cty CP May Nam Định (TP Nam Định); Cty TNHH Shin Myung First Vina (chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu), Cty TNHH Giày Amara Việt Nam (Trực Ninh); Cty CP Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy, Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, Cty CP May Bạch Long (Giao Thủy)…
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ; nhiều người lao động còn thờ ơ, chưa tự giác chấp hành các quy định về ATVSLĐ nên vẫn để xảy ra các vụ tai nạn lao động. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB và XH, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 91 vụ tai nạn lao động, làm 5 người bị thương nặng (không có người chết). Thiệt hại do tai nạn lao động hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu là do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn biện pháp làm việc an toàn; người sử dụng lao động chưa trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ ATVSLĐ và cung cấp bảo hộ lao động cho người lao động.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động, cung cấp kiến thức, rèn luyện các kỹ năng, giúp người sử dụng lao động chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, biện pháp ATVSLĐ, giúp người lao động biết cách thực hành ATVSLĐ, xử lý những tình huống trong thực tiễn. Các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ. Điều quan trọng nhất là người sử dụng lao động và người lao động cần chủ động, tích cực thực hiện các quy định về ATVSLĐ, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Minh Tân