Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

07:12, 31/12/2015
Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và đã đạt những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần từng năm và theo hướng bền vững. Năm 2011, toàn tỉnh có 54.645 hộ nghèo, chiếm 9,96 tổng số hộ dân; đến nay giảm còn 16.603 hộ nghèo, chiếm 2,77% tổng số hộ, đạt chỉ tiêu đề ra (cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%). Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Gia đình bà Phạm Thị Ngoãn, ở thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây lại căn nhà mới.
Gia đình bà Phạm Thị Ngoãn, ở thôn Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây lại căn nhà mới.
Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với các các chương trình, dự án cụ thể, hỗ trợ người nghèo về các mặt: y tế, GD và ĐT, dạy nghề, bảo trợ xã hội, nhà ở và tín dụng ưu đãi. Trong đó, các ngành chức năng, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo. Sở LĐ-TB và XH đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo và cách tiếp cận với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững; đã phát hành hơn 20 nghìn tập tài liệu, 38 nghìn tờ rơi tuyên truyền về giảm nghèo đến cộng đồng. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 3.700 hội nghị thôn, xóm, tổ dân phố truyền thông về công tác giảm nghèo. Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo cho thành viên Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo các cấp và đội ngũ điều tra viên thôn, xóm, tổ dân phố, giúp các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác điều tra hộ nghèo và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo. Hằng năm, các địa phương đều tiến hành công tác điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo có khả năng thoát nghèo và hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (hộ tàn tật, già cả neo đơn, mất hoàn toàn sức lao động…). Trên cơ sở đó đưa ra những hình thức hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng. Trong các giải pháp giảm nghèo, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo của Nhà nước nhằm giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt và tạo điều kiện về học nghề, cơ hội việc làm để vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 483.119 lượt người nghèo và 338.402 lượt người cận nghèo được cấp thẻ BHYT khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế của Nhà nước; 192.578 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, với tổng kinh phí trên 66,5 tỷ đồng. Có 204.484 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo đã được hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, với tổng số tiền 111 tỷ 186 triệu đồng, giúp cho các em được tiếp tục đến trường. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cũng được các cấp, các ngành quan tâm, trong đó từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” 5 năm qua đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.057 hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa nhà ở cho 5.530 hộ nghèo theo Quyết định 167, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, giúp cho nhiều hộ nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn vươn lên thoát nghèo. Đối với nhóm hộ nghèo do thiếu vốn đầu tư sản xuất, không có việc làm, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai có hiệu quả chương trình cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi và chương trình đào tạo nghề cho người lao động, trong đó ưu tiên người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong 5 năm, toàn tỉnh có 37.035 lượt hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền vay 733 tỷ đồng; 17.617 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, với tổng số tiền vay 437 tỷ đồng. Cùng với việc vay vốn, hộ nghèo được tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã hỗ trợ dạy nghề cho 3.231 người nghèo, với tổng kinh phí 4 tỷ 555 triệu đồng; hàng nghìn lượt lao động thuộc hộ nghèo được tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn và xây dựng mô hình trình diễn qua các chương trình, dự án. Các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tỉnh, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm mới, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm từ 9,96% (năm 2011) xuống 6,72% (năm 2012) và đến nay còn 2,27% (năm 2015), bình quân mỗi năm giảm 1,43%, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhất là hộ nghèo. Bên cạnh kết quả đạt được, công cuộc xóa nghèo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững. Một số hộ sau thời gian thoát nghèo lại tái nghèo hoặc trong diện cận nghèo. Hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo chưa cao, nguồn huy động giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng chưa thực sự phát huy. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo với lãi suất ưu đãi còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện công tác giảm nghèo ở một số nơi chưa kịp thời, chưa sâu sát, cụ thể. 
 
Giai đoạn 2016-2020, với việc chuyển hướng tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và thực hiện các giải pháp giảm nghèo đa chiều, nhanh, bền vững, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, nâng cao nhận thức về giảm nghèo đa chiều bền vững, tạo sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi một cách căn bản về công tác giảm nghèo. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, đào tạo, y tế, việc làm, BHXH, nhà ở… đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. Các địa phương tiến hành rà soát, phân loại đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo công khai, chặt chẽ, đúng đối tượng; bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của chính các hộ nghèo để thoát nghèo; đồng thời tích cực huy động mọi nguồn lực, tăng thêm vốn đầu tư để phục vụ công tác giảm nghèo nhanh và bền vững./.
 
Bài và ảnh: Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com