Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình

07:12, 26/12/2015
(Trao đổi giữa phóng viên Báo Nam Định với đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh về những kết quả đã đạt được của tỉnh ta qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015; những mục tiêu, biện pháp thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ trong thời gian tới).
 
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh ta qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015?
 
Đồng chí Trần Trung Kiên: Trong 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, sự “vào cuộc” của các ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số các cấp, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Dân số - KHHGĐ. Bộ máy cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ các cấp được kiện toàn hoạt động nền nếp, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Dân số - KHHGĐ được chú trọng, nhất là cán bộ tuyến cơ sở. Cơ chế quản lý thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao năng lực quản lý tập trung nguồn lực cho cơ sở, chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về Dân số - KHHGĐ được nâng cao, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thái độ, hành vi của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ của Đảng, Nhà nước. Hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác Dân số - KHHGĐ, tỉnh ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra: Giảm tỷ suất sinh thô từ 15,46%o (năm 2011) xuống còn 14,59%o (năm 2015). Giảm tốc độ gia tăng dân số tự nhiên từ 9,76%o (năm 2011) xuống còn 9,24%o (năm 2015). Tỷ lệ sản phụ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc từ 87% (năm 2011) lên 95% (năm 2015). Tỷ lệ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại từ 76,27% (năm 2011) lên 77,68% (năm 2015). Tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện cho vị thành niên và thanh niên từ 7 điểm (năm 2011) lên 16 điểm (năm 2015). Việc triển khai các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai và duy trì tại 229/229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, đã phát hiện sớm và điều trị một số bệnh, tật bẩm sinh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giống nòi. Trong 5 năm qua đã có 6.563 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh và 7.951 trẻ em được sàng lọc sơ sinh. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 33 xã với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành CSSKSS/KHHGĐ từng bước góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần cho vị thành niên và thanh niên. Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh triển khai tại 3 huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thủy đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực về công tác Dân số, người dân vùng biển được hưởng đồng bộ và có hiệu quả các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động người dân tham gia công tác Dân số - KHHGĐ tại địa phương, nên số người được thực hiện các biện pháp tránh thai, thực hiện các dịch vụ CSSK/KHHGĐ ngày một cao, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện. Như vậy trong 5 năm, tỷ suất sinh thô bình quân hằng năm giảm khoảng 0,21%o. Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã từng bước được kiểm soát và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra (năm 2011 là 120 cháu trai/100 cháu gái, năm 2015 là 115 cháu trai/100 cháu gái, giảm 5 điểm phần trăm).
Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trao thưởng cho các gia đình tiêu biểu về công tác Dân số - KHHGĐ năm 2015 của huyện Ý Yên. Ảnh: Việt Thắng
Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh trao thưởng cho các gia đình tiêu biểu về công tác Dân số - KHHGĐ năm 2015 của huyện Ý Yên. Ảnh: Việt Thắng
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh ta vẫn chưa thực hiện được một số chỉ tiêu trong công tác Dân số - KHHGĐ như: Tổng tỷ suất sinh tăng (2,32 so với mục tiêu là 2,0); quy mô dân số tăng (1.983.631 người so với mục tiêu là không quá 1 triệu 950 nghìn người); chưa triển khai trên quy mô cộng đồng việc sàng lọc ung thư cổ tử cung và sàng lọc ung thư vú; sàng lọc trước sinh và sơ sinh mới chỉ dừng ở đối tượng được miễn phí. Việc thống kê các chỉ số về SKSS ở hệ thống y tế tư nhân còn yếu, số liệu chưa phản ảnh hết tình hình thực tế. Công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ dân số - KHHGĐ, việc cải thiện SKSS cho nhóm dân số đặc thù, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập. Việc lồng ghép các biến động dân số vào hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế... Nguyên nhân do một số địa phương, đơn vị có lãnh đạo, chỉ đạo nhưng chưa quan tâm đúng mức, chưa thực sự quyết liệt; có cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số nhưng chưa xử lý kịp thời. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn tồn tại tư tưởng thích đông con, nhiều cháu, mong muốn có con trai nối dõi tông đường. Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn tiếp tục tăng, cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính khi sinh còn nghiêm trọng; tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh; chất lượng dân số còn thấp. Bộ máy tổ chức chưa thực sự ổn định ở tuyến cơ sở, đặc biệt là cán bộ làm dân số cấp xã chưa được tuyển thành viên chức nên họ chưa thật yên tâm công tác, hằng năm thay đổi nhiều kể cả đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, xóm. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra; kinh phí địa phương chưa được hỗ trợ nhiều cho công tác Dân số - KHHGĐ; kinh phí hằng năm từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia dân số bị cắt giảm mạnh, vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện cho công tác Dân số - KHHGĐ...
 
PV: Mục tiêu, chỉ tiêu và các biện pháp nâng cao chất lượng công tác Dân số - KHHGĐ thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Trần Trung Kiên: Mục tiêu chung Kế hoạch hành động của tỉnh giai đoạn 2016-2020 thực hiện Chiến lược Dân số - SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là: Nâng cao chất lượng dân số; hạn chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; đáp ứng tốt nhu cầu CSSKSS, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về quy mô, cơ cấu dân số; triển khai hiệu quả tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và khuyến khích thu phí dịch vụ KHHGĐ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm 0,1%o. Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản. Cải thiện SKSS của vị thành niên và thanh niên. Tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện với người chưa thành niên và thanh niên lên trên 20% tổng số điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS. Giảm số người chưa thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống dưới 0,3%. Giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 110 cháu trai/100 cháu gái. Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào triển khai chính sách, xây dựng và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp.
 
Để thực hiên các mục tiêu trên, các giải pháp đề ra là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ. Hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác Dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số bằng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, mạnh về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục với những nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng; đặc biệt chú trọng tới khu vực khó khăn, khu vực chưa đạt các chỉ tiêu về dân số, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, SKSS. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác Dân số - KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng việc triển khai các đề án, mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Đề án “kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định”, Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái… Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại các cơ sở siêu âm, cơ sở sử dụng kỹ thuật cao hướng dẫn sinh con theo ý muốn, cơ sở nạo phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, SKSS/KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình.
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí./.
 
Việt Thắng (thực hiện)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com