Tiếp xúc với chị Khúc Thị Thúy Hà, phường Hạ Long (TP Nam Định), chúng tôi thật sự khâm phục sự lạc quan trong con người chị. Sự lạc quan ấy không những giúp vợ chồng chị chiến đấu với căn bệnh thế kỷ HIV, vươn lên trong cuộc sống mà còn tiếp sức cho rất nhiều người có chung cảnh ngộ.
|
Chị Hà với công việc hằng ngày. |
Thời con gái, chị Hà từng mơ ước một mái ấm hạnh phúc. Duyên số đẩy đưa, chị gặp anh Lã Mạnh Hùng, một người nghiện ma túy bị vợ bỏ và đang nuôi đứa con riêng. Thương anh cảnh gà trống nuôi con; tình thương ấy lớn dần thành tình yêu lúc nào không biết. Như định mệnh với mối lương duyên trời định, năm 1997, anh chị làm đám cưới. Con gái đầu lòng, rồi thêm đứa con trai kháu khỉnh đáng yêu ra đời. Khi đứa con thứ 2 chào đời cũng là lúc chị biết sự thật nghiệt ngã, mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Cầm tờ giấy xét nghiệm, chị bàng hoàng, hụt hẫng. Chị gần như suy sụp vì nghĩ rằng nhiễm HIV đồng nghĩa với việc nhận án tử hình. Chị hoang mang tự hỏi, hai đứa trẻ vô tội kia không biết có bị án tử như bố mẹ? Thế nhưng trong sự mất ấy, phép màu đã đến với gia đình chị, sau nhiều lần xét nghiệm cả hai con chị đều khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, thông tin anh chị bị nhiễm căn bệnh thế kỷ nhanh chóng lan truyền, hàng xóm, láng giềng xa lánh, kỳ thị. Thậm chí, họ còn ngăn cấm con cái không được chơi với hai đứa trẻ nhà chị. “Hàng xóm truyền tai nhau nhà nó bị SIDA đến gần cũng lây; đi chân đất sang nhà nó cũng lây; uống nước cũng lây, mình nghe thấy buồn và mặc cảm lắm, thậm chí khi nhà mình có chuyện vui, buồn không có một ai dám đến hỏi thăm, chia sẻ. Những lúc thành viên trong gia đình đau ốm, mình cũng không nhờ được sự giúp đỡ của ai”, chị Hà chia sẻ. Cứ thế, gia đình chị sống cô độc và mặc cảm nơi chốn thị thành tấp nập. Rồi mất việc, sức khỏe lại ngày một yếu, cuộc sống gia đình chị lâm vào hoàn cảnh túng bấn và hết sức khó khăn. Gia đình 4 người nhờ vào sự giúp đỡ của hai bên gia đình nội ngoại rau cháo qua ngày. Thi thoảng, chị nhờ được gia đình hai bên nhận hàng về may để duy trì cuộc sống. Nhiều lúc túng quẫn, chị nghĩ quẩn nhưng nhìn hai đứa con khỏe mạnh, thông minh, chị như được tiếp thêm động lực sống. Chị đã cùng chồng đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đăng ký để được hỗ trợ điều trị và sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV. Anh chị cũng là một trong những người nhiễm đầu tiên của thành phố được thử nghiệm dùng thuốc kháng vi-rút ARV. Thời gian đầu dùng thuốc, anh chị đều gặp phải những tác dụng phụ như nổi mày đay, đau bụng đến mất ăn, mất ngủ, thể trạng gầy yếu hẳn đi. Tuy nhiên, với quyết tâm tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ, sau một thời gian kiên trì điều trị, sức khỏe dần phục hồi. Khi Trung tâm thành lập nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” gồm những người có HIV, anh chị tham gia sinh hoạt và là một trong những thành viên tích cực của nhóm. Theo danh sách những người cùng cảnh ngộ của phường, xã trong thành phố, anh chị tiếp cận với họ, sẻ chia, tư vấn và hướng dẫn họ tham gia điều trị tại Trung tâm. Chị Hà chia sẻ: “Khi biết bị nhiễm HIV, mình cũng từng trải qua cảm giác tự ti và mặc cảm như họ nên mình hiểu được phần nào những suy nghĩ của những người cùng cảnh ngộ nên việc tiếp cận cũng không quá khó khăn”. Còn đối với Hùng, anh đã lấy chính quá khứ lầm lỡ của mình, bằng một tình cảm chân thành, động viên, thăm hỏi, tư vấn giúp họ cách từ bỏ ma tuý, điều trị HIV, phòng việc lây truyền bệnh. Bên cạnh việc sinh hoạt bên nhóm “Vì ngày mai tươi sáng”, anh chị còn tham gia Ban chủ nhiệm CLB “Đồng đẳng” do Hội Phụ nữ phường Hạ Long thành lập. Sinh hoạt 1 tháng một lần, CLB thực sự là địa chỉ thân thuộc của những người không may vướng vào căn bệnh thế kỷ. Cùng với các thành viên khác trong CLB, chị Hà và chồng đã tích cực tham gia sinh hoạt, chia sẻ, giúp đỡ, tư vấn, nâng cao kiến thức về căn bệnh HIV đối với thành viên và cộng đồng; hỗ trợ các thành viên tham gia nhằm giảm thiểu tác động của HIV/AIDS đối với họ; hỗ trợ tinh thần cho các thành viên tham gia, giúp giảm bớt sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV/AIDS; giúp họ tổ chức cuộc sống gia đình, dần dần xóa đi được mặc cảm của bản thân, sự kỳ thị của gia đình, cộng đồng và xã hội. Đến nay, anh chị đã tư vấn cho 19 đối tượng, trong đó có 1 đối tượng tiếp cận và sử dụng thuốc ARV; 17 gia đình có người thân nhiễm HIV và trên 20 đối tượng và người nhà đối tượng có nguy cơ cao biết cách sinh hoạt và tránh lây nhiễm cho người xung quanh, nỗ lực giúp cai nghiện cho 3 người đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Không chỉ làm tốt vai trò thành viên Ban chủ nhiệm CLB “Đồng đẳng”, chị còn tích cực tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, tham gia các hoạt động của tổ dân phố, nhờ đó đã dần xoá đi những mặc cảm của bản thân và sự xa lánh của bà con khu phố. “Vượt qua tất cả, đến giờ cuộc sống của gia đình tôi mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi muốn chứng minh rằng, người bị HIV vẫn có thể hòa nhập, sống tốt và có ích cho cộng đồng”, chị Hà chia sẻ. Đến nay, các con chị vẫn được đến trường học tập và sống bình thường như bao đứa trẻ khác, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Ngoài việc học trên lớp, chiều về, con gái lớn của chị vẫn tranh thủ đi làm thêm phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Bình quân, mỗi ngày thu nhập từ nghề may gia công được khoảng 100 nghìn đồng cộng với sự giúp đỡ của gia đình 2 bên đã giúp anh chị lo trang trải cuộc sống gia đình.
Dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả song với một người phụ nữ giàu nghị lực như chị Hà, chúng tôi tin chị không có gì là không thể vượt qua. Sự lạc quan, niềm hy vọng luôn giúp chị vượt qua bệnh tật, vượt lên mặc cảm. Chị chính là bông hoa nghị lực, là tấm gương sáng để những người có H noi theo./.
Bài và ảnh:
Hoàng Dung