Hiệu quả bước đầu từ việc triển khai mô hình điểm toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS

09:12, 01/12/2015
Là đơn vị đầu tiên của tỉnh được chọn triển khai mô hình điểm toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, từ tháng 7-2015 đến nay, phường Ngô Quyền (TP Nam Định) đã tổ chức họp, phổ biến nội dung hoạt động của mô hình tới đại diện các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Người cao tuổi, MTTQ, Đoàn Thanh niên, Công an, bí thư, tổ trưởng TDP trên địa bàn. Trạm Y tế phường phân công cán bộ y tế xuống 14 tổ dân tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền và tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cho khoảng 1.400 lượt người. Vào Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (tháng 12), phường tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên các tuyến đường chính, đồng thời phát các tin, bài có nội dung phòng, chống HIV/AIDS trên Đài truyền thanh phường. Vào những Tháng cao điểm, cán bộ Trạm Y tế phối hợp với Hội CTĐ tổ chức thăm hỏi gia đình người nhiễm HIV, nói chuyện tổ, nhóm về chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS; truyền thông lồng ghép trong các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, cấp phát tờ rơi về phòng, chống HIV/AIDS, điều trị Methadone… 
Tư vấn dùng thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định.
Tư vấn dùng thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định.
Từ tháng 5 đến tháng 12-2015, phường Ngô Quyền (TP Nam Định) và các xã: Hải Nam (Hải Hậu), Giao Xuân (Giao Thủy) được Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chọn triển khai mô hình điểm toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS với mục đích nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở. Đây là các xã, phường có tỷ lệ người nhiễm HIV cao, có bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV, tham gia điều trị Methadone; có nhiều đối tượng nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, người hoạt động mại dâm, dân di biến động… Để nâng cao năng lực phòng, chống HIV cho các xã, phường trong mô hình, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS các trạm y tế, đội ngũ CTV y tế thôn, xóm, TDP, các trưởng thôn, xóm, tổ trưởng TDP và các thành viên của tổ công tác cai nghiện ma túy… về các nội dung hoạt động toàn diện trong phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho các xã, phường triển khai hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài truyền thanh, truyền thông lồng ghép trong các hội nghị, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS, mối liên quan giữa HIV và ma túy, cung cấp các tài liệu truyền thông cho trạm y tế các xã, phường… Quá trình triển khai mô hình đã tổ chức được nhiều buổi truyền thông trực tiếp và gián tiếp đến cộng đồng dân cư về các nội dung phòng, chống HIV/AIDS, về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; hậu quả của đại dịch HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS; nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV; các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Đặc biệt, việc triển khai mô hình đã huy động được sự tham gia của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng TDP, ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, CCB, Người cao tuổi… tham gia tuyên truyền giúp người nhiễm hoặc người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc; tạo việc làm, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho bệnh nhân AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Cũng qua hoạt động của mô hình điểm, các trạm y tế đã được cung cấp gói chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS… Qua hoạt động của mô hình, đã có hàng nghìn lượt người trên địa bàn 3 xã, phường điểm được tiếp cận truyền thông trực tiếp; đã có 2.400 tờ rơi, 180 áp phích, 180 sách nhỏ được phát; tổ chức được 3 buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 600 người tham gia mô hình điểm; tổ chức được 12 lần hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV... Qua đó, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS được nâng cao, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS, đồng thời giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
 
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình điểm toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh sẽ tổng kết, nhân rộng để cùng với phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS” nâng cao hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần cùng với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS cả nước hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS của LHQ do Bộ Y tế phát động để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030./.
 
Bài và ảnh:  Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com