Xã Hải Hưng (Hải Hậu) là xã thuần nông nhưng diện tích đất bình quân thấp chỉ đạt 0,9 sào/đầu người. Không có nghề phụ, ngoài thời gian mùa vụ, hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, không có thu nhập thêm, đời sống của chị em còn gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát, toàn xã hiện có hơn 3.000 phụ nữ trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 1.000 lao động chưa có việc làm ổn định. Từ kết quả điều tra, Hội Phụ nữ xã xây dựng kế hoạch trình ban thường vụ Đảng uỷ xã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Phụ nữ mở lớp dạy nghề, vận động hội viên phụ nữ khôi phục nghề truyền thống, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ trong độ tuổi lao động tại địa phương.
|
Chị em phụ nữ làm việc tại tổ thêu ren và đính hạt cườm hàng cao cấp tại gia đình chị Trần Thị Đào, chi hội phụ nữ số 8, xã Hải Hưng. |
Tháng 3-2015, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Cty TNHH Happy Anlyly tổ chức lớp dạy nghề làm nơ xuất khẩu cho 93 hội viên phụ nữ với các sản phẩm nơ như nơ trang trí nô-en, nơ trang trí ngày lễ tình nhân, nơ trang trí ngày tết… Sau 2 tháng học nghề, đến nay đã có 45 hội viên phụ nữ có tay nghề cứng, tạo ra những sản phẩm đúng kỹ thuật, tính thẩm mỹ cao, mang lại thu nhập từ 1,8-2,5 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động dạy nghề, Đảng ủy, UBND xã đã tạo điều kiện cho tổ làm nơ mượn trụ sở cũ của trạm y tế xã để tổ chức dạy nghề và tập trung làm nghề. Chị Bùi Thị Trang, hội viên chi hội 5 cho biết: “Trước đây, tôi đi làm trên Hà Nội, công việc rất vất vả nhưng lương không được bao nhiêu, tôi luôn mong muốn kiếm được công việc gần nhà để tiện chăm sóc con cái. Được các cấp Hội Phụ nữ trong xã vận động, tôi tham gia học nghề, đồng thời tạo điều kiện giúp tôi có việc làm, tôi rất phấn khởi. Đây là mô hình dạy nghề và tạo việc làm phù hợp với phụ nữ nông thôn giúp tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, vừa tranh thủ kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Đến nay, tôi làm được 50-60 chiếc hàng khó/ngày; 70-100 chiếc hàng dễ/ngày, mang lại thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Không những thế, nghề làm nơ xuất khẩu giúp tôi được tiếp cận với nghệ thuật và văn hóa của nước bạn. Hay như mô hình thêu ren cao cấp của hội viên Trần Thị Đào, chi hội phụ nữ số 8 được triển khai nhiều năm nay. Được sự vận động của Hội Phụ nữ xã, chị Đào đã nhận lời phối hợp với Hội Phụ nữ xã mở lớp dạy nghề thêu ren và đính hạt cườm tạo việc làm cho trên 60 phụ nữ trên địa bàn xã. Chị Đào chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, thu nhập thấp, cuộc sống vô cùng nghèo khó nên tôi hiểu hoàn cảnh của chị em. Thấy nhiều chị em khó khăn nên tôi quyết định phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã vận động, tổ chức dạy nghề cho chị em. Tôi nhận hàng từ Đà Lạt về, đầu tư một số vốn để mở cơ sở thêu ren, đính hạt cườm góp phần tạo điều kiện làm việc tại chỗ cho chị em. Đến nay, các chị em làm việc tại xưởng đều là những người có tay nghề khá. Nhờ vậy, thu nhập của chị em đạt từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với 14 Cty, doanh nghiệp, xưởng sản xuất mở hàng chục lớp dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn xã. Trong đó, Hội Phụ nữ đã phối hợp với 6 cơ sở may của các chị Nguyễn Thị Hoa, chi hội xóm 11; chị Lương Thị Luyến, chi hội 9; chị Phạm Thị Thi, chi hội 17; chị Trần Thị Lan, chi hội xóm 9; chị Trần Thị Hương, chi hội xóm 12; chị Trần Thị Thuỷ, chi hội xóm 8 dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 hội viên phụ nữ tại địa bàn với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. 2 cơ sở thêu ren, đính hạt cườm, hàng cao cấp của chị Trần Thị Đào, chi hội 8, chị Lương Thị Lan, chi hội 11 thu hút 150 phụ nữ tham gia làm việc, cho thu nhập từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. 5 cơ sở mộc làm hàng gia dụng, hàng mộc xuất khẩu của chị Nguyễn Thị Tâm, chi hội 10, chị Bùi Thị Trình, chi hội 9, chị Trần Thị Huynh, chi hội 11, chị Bùi Thị Tịnh, chị Nguyễn Thị Nhung, chi hội 12; tạo việc làm cho 80 công nhân mộc, thu nhập bình quân 4 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội Phụ nữ động viên hội viên phụ nữ thôn Hưng Nghĩa khôi phục nghề mây tre đan truyền thống tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm hội viên phụ nữ cao tuổi có thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có thêm thu nhập, chị em phụ nữ có điều kiện nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình tốt hơn. Bên cạnh công tác hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ xã còn tích cực ủy thác vốn từ các nguồn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang quản lý 4,2 tỷ đồng vốn Ngân hàng CSXH cho 129 thành viên vay vốn để tạo điều kiện cho con em học tập, xây dựng và sửa chữa công trình nước sạch, vệ sinh. Quản lý quỹ TYM với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng cho 129 thành viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hội còn phát động thành lập các nhóm tiết kiệm tại chi hội bằng nhiều hình thức như tiết kiệm vàng, tiền giúp đỡ cho 750 thành viên vay vốn, mỗi thành viên được vay từ 20 triệu đồng trở lên với tổng số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng giúp chị em có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật thâm canh tăng vụ, chăn nuôi… mỗi lớp thu hút từ 150-200 hội viên phụ nữ tham gia. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ về giống, vốn, kiến thức, giúp chị em mạnh dạn, tự tin phát triển các mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Ngô Minh Chiều, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng cho biết: “Với những hoạt động thiết thực, đặc biệt là hoạt động liên kết mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề, quyết việc làm cho phụ nữ trên địa bàn xã, Hội Phụ nữ xã đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của địa phương, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 2,9%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,1 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng ngày càng được nâng cao”. Năm 2014, địa phương được công nhận xã đạt chuẩn NTM./.
Bài và ảnh:
Hoàng Dung