Hải Hậu đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động

09:12, 28/12/2015
Huyện Hải Hậu có trên 27 vạn dân, trong đó gần 15 vạn người trong độ tuổi lao động, chiếm 55% dân số. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu luôn quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
 
Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Huyện ủy Hải Hậu đã có Quyết định số 38-QĐ/HU ban hành Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu của Đề án là: Đào tạo nghề cho trên 15 nghìn lao động; truyền nghề cho trên 35 nghìn lao động, tập trung vào các ngành nghề phi nông nghiệp; tạo việc làm cho trên 80% lao động sau đào tạo. Ban Chỉ đạo công tác đào tạo nghề, truyền nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện thường xuyên được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên. Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân và trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp nên có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho ngươi lao động. Năm 2015, huyện đã mở 26 lớp dạy nghề cho 895 lao động; trong đó có 313 lao động học nghề nông nghiệp, 582 lao động học nghề phi nông nghiệp. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp, nuôi lợn, nuôi thủy sản, cơ khí, chăn nuôi gà, vịt, chế biến món ăn, trồng nấm, cắt tỉa cây cảnh… Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Sau khi được đào tạo nghề, truyền nghề, người lao động đều nắm được được kiến thức, kỹ năng cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB và XH huyện, tỷ lệ lao động học nghề nông nghiệp sau khóa học đã phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình có hiệu quả là 75% và có tới 70% số người sau khi học đã mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá, có năng suất, thu nhập cao. Tỷ lệ lao động học nghề phi nông nghiệp sau khóa học có việc làm phù hợp chiếm 86%. Cùng với công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những năm qua, số dư vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm của huyện luôn duy trì ở mức 8,3 tỷ đồng, hiện cho vay 239 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động. Từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, toàn huyện có 2.668 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng số dư 71,149 tỷ đồng. Thông qua các lớp đào tạo nghề và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động trong huyện đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Với những giải pháp hiệu quả, thiết thực, huyện Hải Hậu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Hải Hậu còn gặp một số tồn tại, vướng mắc. Nhiều lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề nên công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, ý thức của một số người học nghề chưa cao, nhiều lao động sau khi học nghề thiếu vốn để chuyển đổi, mở rộng sản xuất. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề còn thiếu chặt chẽ. Một số ngành nghề sau khi đào tạo có việc làm nhưng việc làm không ổn định hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, vì vậy hiệu quả đào tạo của một số nghề không cao. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Hải Hậu chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi cơ bản nhận thức của người lao động về việc học nghề là điều kiện để tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào chương trình công tác của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; vận động các cơ sở dạy nghề tư thục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực; phấn đấu số lao động hằng năm được đào tạo nghề sau khi đào tạo có từ 85% số lao động được học nghề có việc làm và có thu nhập ổn định./.
 
Minh Tân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com