Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường

07:12, 12/12/2015
Để kịp thời chấn chỉnh sai phạm, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), đồng thời nắm rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục, xử lý, đấu tranh phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh, Sở TN và MT luôn chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT. 
 
Trong đó, đã tập trung thanh tra, kiểm tra các vấn đề môi trường bức xúc chưa được giải quyết như: công tác BVMT trong các KCN, CCN; việc chấp hành pháp luật BVMT của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng bãi chôn lấp, xử lý rác thải khu vực nông thôn... Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt những vụ việc phức tạp, vi phạm nghiêm trọng, tạo sức mạnh tổng hợp, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác phải quan tâm và thực hiện công tác BVMT, góp phần hạn chế và từng bước xoá bỏ các điểm ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành TN và MT, công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể như việc xác định đối tượng thanh tra, kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị trong và ngoài ngành; nhiều địa phương chậm triển khai nội dung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thời gian đã được phê duyệt; chậm triển khai nội dung thanh tra chuyên đề diện rộng việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường tại các CCN; tỷ lệ phát hiện các tổ chức, cá nhân có sai phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao không phù hợp với thực trạng… Tại các địa phương vẫn còn một số tồn tại nhiều năm nhưng chưa được khắc phục như: chậm xây dựng báo cáo kết quả, kết luận thanh tra; báo cáo không đúng đề cương hướng dẫn, thiếu số liệu; nội dung thanh tra dàn trải, chưa xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra còn thấp. Nguyên nhân do lực lượng cán bộ thực hiện công tác thanh tra môi trường còn mỏng nên công tác thanh tra, kiểm tra đối với UBND các huyện, các xã còn ít, chỉ tập trung thực hiện tại một số cơ sở đại diện. Nguồn kinh phí dành cho công tác thanh tra, kiểm tra hằng năm còn thấp, vì vậy việc lấy mẫu chất thải chỉ thực hiện tại các cơ sở đại diện, không thể đánh giá được thực trạng gây ô nhiễm môi trường của tất cả các tổ chức, cá nhân, đơn vị. Các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế nên rất khó thực hiện. Đặc biệt, sau thanh tra, kiểm tra, ngành chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BVMT…
Cán bộ môi trường lấy mẫu nước, kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường tại làng nghề Nam Thanh (Nam Trực).
Cán bộ môi trường lấy mẫu nước, kiểm tra mức độ ô nhiễm môi trường tại làng nghề Nam Thanh (Nam Trực).
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật về BVMT; tiếp tục hoàn thiện chính sách về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT một cách hệ thống và đồng bộ, tránh sự chồng chéo Luật BVMT năm 2014, có hiệu lực từ 1-1-2015 đã có những sửa đổi quy định về thanh tra môi trường để phù hợp với Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính; đổi mới, hoàn thiện pháp luật thanh tra theo hướng chủ động, linh hoạt cho hoạt động thanh tra chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra chuyên ngành hiệu quả, đúng pháp luật. Cụ thể Luật đã dành riêng chương XVIII để đưa ra những nguyên tắc về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường. Trong đó, quy định ngành TN và MT có quyền tổ chức kiểm tra, thanh tra về BVMT theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn quốc; chỉ trừ những cơ sở, dự án, công trình thuộc bí mật Nhà nước về quốc phòng, an ninh công tác kiểm tra, thanh tra về BVMT mới thuộc các ngành quốc phòng, công an; ngành TN và MT có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra các cơ sở quốc phòng, công an không thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Chủ tịch UBND cấp tỉnh tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra về BVMT theo quy định của pháp luật trên địa bàn... Từ tháng 4-2015, Sở TN và MT và các huyện, thành phố đã tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật BVMT, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, chú trọng những vấn đề mới đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh; phổ biến các Nghị định số 3/2015/NĐ-CP ngày 6-1-2015; số 18/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 và số 19/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 khi tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành về BVMT... Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản dưới Luật được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực, qua đó đã giúp đội ngũ cán bộ ngành TN và MT hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT. Bám sát quy định của Luật BVMT năm 2014, UBND tỉnh giao Sở TN và MT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Ban quản lý các KCN tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về việc chấp hành Luật BVMT; xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm. Đặc biệt kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở cố tình vi phạm Luật BVMT hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng cường kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về BVMT đối với UBND các cấp. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, kiên quyết chuyển cơ quan điều tra khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự. UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. 
 
Hiện nay, ngành TN và MT tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra theo chương trình, kế hoạch, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm gây bức xúc, nổi cộm về ô nhiễm môi trường xảy ra ở các địa phương. Đồng thời, tập trung rà soát các cơ sở đã đi vào hoạt động mà chưa hoàn thành các công trình BVMT để kiến nghị xử lý nghiêm, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng, buộc các cơ sở phải đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo các chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải được thu gom vào hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Thời gian tới, ngành TN và MT sẽ tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát sau khi ban hành các kết luận thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, ngành TN và MT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com