Trong những năm qua, chương trình xây dựng “Mái ấm công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đã được triển khai tới các cấp công đoàn trong tỉnh và thu được những kết quả quan trọng.
Chương trình được triển khai từ tháng 3-2007 nhằm động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, chăm lo nhà ở cho đoàn viên, CNVCLĐ đang gặp khó khăn về nhà ở với mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/nhà làm mới và 5 triệu đồng/nhà sửa chữa. Thực hiện chương trình 100% LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành đều đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý quỹ nhà ở “Mái ấm công đoàn”. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tiến hành khảo sát, bình xét đối tượng thụ hưởng và trực tiếp quản lý, quyết toán quỹ “Mái ấm công đoàn” cấp mình. Quỹ nhà ở “Mái ấm công đoàn” được hình thành ở 2 cấp là công đoàn cấp huyện và cấp tỉnh. Quỹ “Mái ấm công đoàn” của LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành được điều chuyển giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ CNVCLĐ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh đều được xem xét hỗ trợ. Các cấp công đoàn đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm lo hỗ trợ đoàn viên nói chung và hỗ trợ nhà ở cho CNVCLĐ nghèo nói riêng.
|
Khánh thành Nhà Tình nghĩa cho chị Cao Thị Huệ - công nhân Cty TNHH Youngone Nam Định. |
Định kỳ 6 tháng và 1 năm công đoàn cấp trên cơ sở tiến hành sơ kết, động viên khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu, trao đổi phổ biến cách làm hay, hiệu quả để các đơn vị học tập. Thông qua việc tổ chức xây, sửa nhà và tổ chức lễ gắn biển nhà ở “Mái ấm công đoàn” cho đối tượng thụ hưởng, công đoàn cũng đã tiếp cận và tuyên truyền, vận động các cấp lãnh đạo và đông đảo nhân dân địa phương nơi công nhân cư trú cùng quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ cả về vật chất và tinh thần. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ đóng góp xây dựng quỹ của hầu hết đoàn viên, CNVCLĐ, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và những nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với số tiền thu về quỹ là trên 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các tập thể và cá nhân đã ủng hộ trực tiếp cho đối tượng trên 3,8 tỷ đồng, ủng hộ bằng vật liệu xây dựng và những đồ dùng sinh hoạt cho đối tượng ước trị giá 715 triệu đồng và ủng hộ 1.730 ngày công lao động. Kết quả, đã có 241 đối tượng được thụ hưởng chương trình, trong đó làm nhà mới cho 74 đối tượng, sửa chữa nhà cho 167 đối tượng. Bên cạnh nguồn quỹ huy động được từ các đoàn viên, CNVCLĐ, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, Quỹ Tấm lòng vàng của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong 10 năm qua cũng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 13 căn nhà với số tiền 145 triệu đồng. Nhờ đó, các đối tượng đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã được quan tâm, giúp đỡ. Số tiền hỗ trợ từ chương trình tuy chưa lớn nhưng là nguồn kinh phí cơ bản và tạo được động cơ cho mỗi gia đình CNLĐ nghèo có quyết tâm hơn, vay mượn thêm để xây sửa nhà ở. Mặt khác, thông qua chương trình đã tạo được hiệu ứng lan tỏa để anh em trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng dân cư của đối tượng ủng hộ bằng tiền, hiện vật, công sức, cùng với kinh phí của chương trình. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình không chỉ hỗ trợ về mặt kinh tế mà còn tạo được tình cảm gắn bó, trách nhiệm của CNVCLĐ và cộng đồng dân cư đối với người nghèo nói chung, CNVCLĐ nghèo nói riêng, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, CNVCLĐ. Đây là hoạt động thiết thực góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục tiến hành khảo sát tình hình nhà ở của CNVCLĐ nói chung, rà soát những CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở nói riêng; tham mưu triển khai chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” giai đoạn tiếp theo, đồng thời có những chính sách, chế độ giúp đỡ CNLĐ nghèo, phối hợp với chuyên môn và chính quyền địa phương tạo điều kiện mọi mặt để họ vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ lao động sản xuất. Công đoàn cấp trên cơ sở cần chủ động đề xuất các biện pháp, giải pháp hỗ trợ kịp thời những đối tượng khó khăn phát sinh mới tập trung vào những CNVCLĐ bị hư hỏng hoặc mất nhà cửa do thiên tai, hoả hoạn gây ra./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng