Các cấp công đoàn tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội

07:12, 05/12/2015
Liên đoàn Lao động tỉnh hiện quản lý trực tiếp 10 LĐLĐ huyện, thành phố, 8 công đoàn (CĐ) ngành và 3 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với 88.838 đoàn viên. Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, các doanh nghiệp trong tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, người lao động có việc làm ổn định, thu nhập được nâng lên, cuộc sống bớt khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng kéo theo nhiều hệ lụy, tệ nạn xã hội (TNXH) như mại dâm, ma tuý, HIV/AIDS, trộm cắp, cờ bạc... Trước thực trạng này, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và TNXH tới đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh luôn được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quan tâm chỉ đạo.
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh, giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, kịp thời triển khai, chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, CĐ các ngành, CĐ các KCN và CĐCS trực thuộc chú trọng triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và TNXH đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh. Tùy vào tình hình thực tế của địa phương, doanh nghiệp, yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức phù hợp như: phát tờ rơi, tờ gấp; tổ chức các hội nghị tuyên truyền; tổ chức tuyên truyền qua loa truyền thanh của doanh nghiệp, xã, phường, những địa điểm có nhiều công nhân lao động (CNLĐ) thuê trọ, trong đó chú trọng đến đối tượng thanh niên, công nhân trẻ tuổi có nguy cơ mắc các TNXH, ma túy. Hiện nay xuất hiện rất nhiều loại ma túy tổng hợp với độc tính cao, sử dụng dễ dàng bằng đường uống nên CNLĐ trẻ, nhất là CNLĐ tại các khu, CCN thuê trọ, sống xa nhà cũng như do nhận thức chưa đầy đủ về tác hại của ma túy nên dễ mắc vào tệ nạn này. Để người lao động có thêm kiến thức về tác hại của ma túy, các cấp CĐ đã tích cực tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh tác hại của ma túy, cách phòng, chống ma túy; giúp người lao động có thể tự mình phòng, chống và tránh xa ma túy. Ngoài ra, trong các tháng cao điểm tuyên truyền phòng, chống ma túy, LĐLĐ tỉnh đều có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các cấp CĐ tuyên truyền đến đoàn viên CNVCLĐ về tác hại của ma túy, cách nhận biết ma túy, qua đó nhằm giúp cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu được tác hại của việc mua bán, sử dụng ma túy và các tệ nạn khác đối với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời phải thường xuyên đề cao cảnh giác, không để bạn bè, kẻ xấu lôi kéo mắc phải các TNXH, tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, sinh hoạt lành mạnh. 
 
Trong 5 năm (2011-2015) Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh tổ chức được hơn 100 hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy, hàng nghìn lượt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của cơ quan, doanh nghiệp, phường, xã, thị trấn; xây dựng hàng trăm phóng sự, chuyên mục, tin, bài về phòng, chống ma túy; phát hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền cho hơn 100 nghìn lượt cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ trong tỉnh. Với nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền từ chương trình phòng, chống ma túy của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam, hằng năm LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo CĐ cấp trên cơ sở tổ chức được từ 5 đến 10 hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy cho CNVCLĐ. Giai đoạn 2011-2015, LĐLĐ tỉnh đã dành hơn 500 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí hoạt động để in, mua tài liệu, tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng tới CNVCLĐ trong tỉnh, đồng thời luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng viết nhiều tin, bài, xây dựng nhiều phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về pháp luật, về công tác phòng, chống ma túy... trong CNVCLĐ. Riêng trong năm 2015, LĐLĐ tỉnh đã ban hành 5 văn bản liên quan đến công tác triển khai, tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, mại dâm và phòng, chống tội phạm mua bán người tới cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh, dành 150 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí hoạt động CĐ tổ chức được 13 hội nghị tập huấn tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng chống mại dâm, HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm mua bán người, các kiến thức về phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con cho hơn 2.600 lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh. Với sự nỗ lực của các cấp CĐ trong tỉnh, giai đoạn 2011-2015, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy tới CNVCLĐ nhất là các đối tượng CNLĐ trẻ làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu, CCN đã được đẩy mạnh. Qua đó, người lao động có thêm kiến thức về các loại tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng, không những giúp ích cho bản thân mà còn tuyên truyền giải thích và vận động bạn bè, người thân tránh xa các TNXH này. Theo báo cáo của các cấp CĐ trong tỉnh, số lượng cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ mắc vào các TNXH, nhất là ma túy rất ít, khẳng định nỗ lực của các cấp CĐ trong việc ngăn chặn TNXH, góp phần xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng không có TNXH, ma túy. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp CĐ cũng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các chủ doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng tạo điều kiện để CĐ tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại đơn vị và cho CNLĐ tham dự các buổi tuyên truyền trong giờ làm việc và vẫn được hưởng lương như Cty TNHH Yamani thuộc LĐLĐ huyện Nam Trực, Cty TNHH Sunrise Spinning Việt Nam - KCN Bảo Minh (Vụ Bản), Cty TNHH Youngor Smart Shirts (KCN Mỹ Trung), Cty Dệt may Sơn Nam, Cty CP may Nam Hà (CĐ ngành Công thương)... Cùng với công tác tuyên truyền, thực hiện chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh và Công an tỉnh trong việc triển khai mô hình phong trào “Ba an toàn” về ANTT, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ thành phố phối hợp với Công an thành phố và Trung tâm phát triển CCN thành phố xây dựng mô hình “CCN An Xá an toàn về ANTT” trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai ra diện rộng. Hiện Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch liên tịch giữa LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh và Ban quản lý các KCN tỉnh tiến hành xây dựng mô hình “KCN, CCN an toàn về ANTT” và bước đầu sẽ triển khai tại KCN Bảo Minh vào năm 2016.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tội phạm và TNXH trong CNVCLĐ vẫn còn những hạn chế nhất định: Công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan, ban, ngành có liên quan tới các cấp CĐ chưa thường xuyên, chưa kịp thời, công tác chỉ đạo thực hiện chưa thực sự sát sao. Một số chủ sử dụng lao động phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân ít quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho CNLĐ nói chung cũng như công tác tuyên truyền về phòng, chống TNXH, ma túy nói riêng. Nhiều doanh nghiệp không có khu nhà tập thể cho CNLĐ ở xa, do vậy họ phải thuê trọ ngoài điều kiện về vật chất và tinh thần còn hạn chế nên dễ bị lôi kéo vào các TNXH như mại dâm, ma túy, HIV/AIDS và các TNXH khác... Một thực tế đáng quan tâm nữa là phần lớn hiện nay đời sống tinh thần của người lao động còn nghèo nàn, phần lớn các hoạt động văn hóa - thể thao do doanh nghiệp tổ chức thường mang tính “mùa vụ”, đơn điệu, khô cứng, không tạo sức hút đối với công nhân, phần lớn công nhân tại các KCN đang sống trong môi trường 3 không: không ti vi, không sách báo, không internet... ít được tiếp cận với các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính điều này sẽ tạo điều kiện cho TNXH, tệ nạn ma túy có đường xâm nhập vào CNLĐ. Vì vậy thời gian tới, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đầu tư kinh phí, quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy và TNXH nói riêng cho CNLĐ của đơn vị mình. Xây dựng các cụm pa nô, áp phích tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại các khu, CCN có đông CNLĐ và tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho CNLĐ trong các doanh nghiệp có đông CNLĐ, in ấn tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng chống TNXH nói riêng cho CNLĐ, ngư­ời sử dụng lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng vào doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài nước có đông CNLĐ trẻ, doanh nghiệp mới được thành lập tổ chức CĐ. Chỉ đạo CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở mỗi đơn vị phải tổ chức ít nhất được 1 hội nghị tuyên truyền về pháp luật để tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; TNXH cho cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ của đơn vị mình./.
 
Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com