Những năm qua, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được đông đảo cán bộ, giáo viên nữ ngành GD và ĐT tỉnh tích cực hưởng ứng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ luôn tích cực tự học, tự rèn, nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa kiến thức; tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn đào tạo được nâng lên. Toàn ngành hiện có trên 1.290 nữ nhà giáo tham gia quản lý giáo dục và hàng chục nghìn nữ nhà giáo được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”.
|
Những nữ giáo viên đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” của ngành GD và ĐT tỉnh giai đoạn 2010-2015. |
Phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” đã động viên, khuyến khích nữ giáo viên thi đua giảng dạy và công tác giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhiều chị em phấn đấu học tập nâng cao trình độ, chuyên môn. Ban nữ công công đoàn các cấp đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt hội thảo chuyên môn, hướng nữ giáo viên cải tiến phương pháp và áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học. Đối với đội ngũ giáo viên mầm non, các chuyên đề làm quen với văn học và chữ viết, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Các hội thi “Bé khỏe”, “Bé nhanh trí”, “Gia đình dinh dưỡng tuổi thơ”, thi giáo viên dạy giỏi… thực sự là những ngày hội thi tài của giáo viên nữ. Qua mỗi hội thi, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được phổ biến, áp dụng trong giảng dạy. Các đồ chơi, đồ dùng học tập do các cô tự làm đã có giá trị giáo dục và thẩm mỹ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Qua mỗi kỳ hội giảng, nữ giáo viên ngày càng chiếm ưu thế về số lượng và chất lượng giải, trong đó nhiều nữ giáo viên đã sớm thể hiện tài năng sư phạm và ý chí vươn lên. Nhiều nữ giáo viên đã tận tụy, hết lòng chăm sóc học sinh, nhất là trong việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi. Sự phấn đấu của các cô đã góp phần tạo nên thành tích cao qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia. Phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm ngày càng được các cấp giáo dục quan tâm và triển khai trong công tác quản lý và giảng dạy. Nhiều nữ cán bộ quản lý đã năng động trong quá trình xây dựng và phát triển nhà trường, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về những vấn đề phát triển sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Năm học 2014-2015, tại hội thi giáo viên giỏi bậc mầm non có 30 nữ giáo viên tham gia đều đạt loại giỏi. Năm học 2012-2013, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học có 38 giáo viên tham gia đều là nữ, trong đó có 15 giải nhất, 12 giải nhì, 7 giải ba. Năm học 2014-2015, hội thi giáo viên dạy giỏi bậc THCS có 40 giáo viên tham gia; trong số 34 giáo viên nữ, có 14 cô đạt giải nhất. Trong 5 năm qua, đã có 7.516 giáo viên nữ theo học các lớp nâng cao trình độ. Toàn ngành hiện có 96% nữ cán bộ, giáo viên mầm non, 99% nữ cán bộ, giáo viên tiểu học, 98% nữ cán bộ, giáo viên THCS, 96% nữ cán bộ, giáo viên GDTX và 99,5% nữ cán bộ, giáo viên THPT đã đạt chuẩn đào tạo. Hiện tại, toàn ngành có 1 cán bộ nữ có học vị tiến sĩ, 261 chị có trình độ trên đại học, 58 chị đang theo học chương trình cao học và 3 chị theo học tiến sĩ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ tích cực tham gia công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, nhiệt tình trong công tác đoàn thể, công tác xã hội hóa giáo dục, đoàn kết xây dựng nhà trường, cơ quan đạt tiêu chuẩn cơ quan văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, có 7 chị được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, 34 chị được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng và 16 chị là cán bộ quản lý trong các cơ quan giáo dục. Trong phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, 5 năm qua đã có 105/181 sáng kiến được công nhận cấp ngành, có 5/11 sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Trong 3 lần trao tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận” do LĐLĐ tỉnh tổ chức, toàn ngành đã có 6 nữ nhà giáo tiêu biểu được trao thưởng. Hằng năm có 80-95% gia đình nữ nhà giáo đạt “Gia đình văn hóa”, nhiều gia đình được địa phương cấp giấy chứng nhận “Gia đình hiếu học” và “Gia đình ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền”. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động đã tích cực trong công tác nhân đạo, từ thiện, trong đó 5 năm gần đây nữ cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đã góp trên 7 tỷ đồng ủng hộ ngành Giáo dục các tỉnh miền núi và vùng khó khăn; xây 10 nhà công vụ giáo viên, tu sửa 9 nhà công vụ, tặng 24 Nhà Tình nghĩa, tu sửa 3 nhà ở giáo viên, thăm tặng quà cho 1.440 nhà giáo và 354 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Giai đoạn 2010-2015 đã có 14 chị được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 4 chị được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 29 chị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và hàng trăm chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Đạt được kết quả trên, cùng với sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám đốc Sở GD và ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh đã chỉ đạo Ban nữ công phối hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành. Ban nữ công công đoàn các cơ sở giáo dục đã vận động chị em bố trí việc nhà, dạy thay nhau để có thời gian đi học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học về chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ, chuẩn hoá đội ngũ. Hằng năm, Ban nữ công Công đoàn ngành phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành tổ chức tổng kết công tác nữ, tuyên dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”. Mỗi năm có từ 90-95% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” các cấp và có hàng trăm tập thể, cá nhân được khen thưởng. Thông qua phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, các nữ nhà giáo, lao động trong ngành đã được rèn luyện, bồi dưỡng và trưởng thành về nhiều mặt. Nhiều nữ nhà giáo từ phong trào đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu cao trách nhiệm của mình đối với gia đình và học sinh. Họ không chỉ làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm nghề, mà còn tổ chức cuộc sống gia đình theo tiêu chí: ấm no - bình đẳng - tiến bộ - hạnh phúc.
Để thực hiện tốt các mục tiêu phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” trong giai đoạn tới, công đoàn các nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng của phong trào gắn với việc giáo dục 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: Tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý giáo dục, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Xây dựng mối quan hệ phối hợp công tác giữa Công đoàn, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ với các tổ chức chính trị - xã hội ở đơn vị nhằm tổ chức các hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ, tạo sự bình đẳng giữa nữ và nam trong các lĩnh vực công tác, đời sống xã hội và gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh