Trường Trung học phổ thông Trực Ninh: 50 năm xây dựng và trưởng thành

06:11, 07/11/2015
Trường THPT Trực Ninh được thành lập năm 1965. Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường luôn là niềm tự hào của quê hương Trực Ninh khi luôn đứng ở tốp đầu về chất lượng giáo dục trong các trường THPT của tỉnh.
Cô và trò Trường THPT Trực Ninh.
Cô và trò Trường THPT Trực Ninh.
Những năm đầu thành lập, trường chỉ là những phòng học đơn sơ, nhiều lần phải đi sơ tán, thiếu thốn đủ bề với 6 lớp học và 290 học sinh, trong đó thu nhận số học sinh hai lớp 9 (tương đương lớp 11 bây giờ) của huyện Trực Ninh đang học ở các huyện khác về và tuyển mới 4 lớp 8 (tương đương lớp 10 bây giờ) đầu tiên của huyện. Đến những năm 1980-1981, trường đã có quy mô 24-27 lớp, với 1.000 học sinh. Trải qua 2 lần tách trường và thành lập phân hiệu mới (hiện tại là các Trường THPT Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn), Trường THPT Trực Ninh đã từng bước vươn lên trở thành ngôi trường có truyền thống “Dạy tốt - học tốt”. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhất là sự đóng góp của nhân dân, sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ thầy và trò, nhà trường đã ngày càng phát triển với quy mô đào tạo gồm 36 lớp và 1.500 học sinh. Năm học 2015-2016, nhà trường đã có một cơ ngơi khá khang trang sạch đẹp với 36 phòng học kiên cố cao tầng cùng các phòng hội trường, thư viện, phòng chức năng, phòng làm việc được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục và nhu cầu của học sinh. 50 năm qua, trên 14.600 học sinh từ mái trường này đã trưởng thành và đi vào cuộc sống chiến đấu, lao động trên khắp mọi miền đất nước. Những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 200 thầy giáo và học sinh đã “xếp bút nghiên” lên đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhà trường có 31 học sinh ưu tú đã anh dũng hy sinh và nhiều người đã để lại trên chiến trường một phần cơ thể của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nhà trường đã có hàng trăm học sinh trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... và không ít học sinh đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; những doanh nhân tài ba, những nhà giáo mẫu mực, những kỹ sư, bác sĩ tận tụy với nghề... Những cá nhân ấy là niềm tự hào của một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống hiếu học. Đặc biệt trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã xây dựng một tập thể sư phạm tận tâm, tận lực với sự nghiệp “trồng người”, vừa giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, vừa có bề dày kinh nghiệm và năng lực thực tiễn. Các thầy cô vừa có trách nhiệm với quá khứ, vừa mang trọng trách với hiện tại và tương lai của nhà trường. Nhiều thầy cô đã vinh dự được cấp trên công nhận là chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi, nhiều thầy cô được UBND tỉnh, Bộ GD và ĐT khen thưởng. Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã có 5 cán bộ, giáo viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 15 cán bộ, giáo viên được Bộ GD và ĐT, Công đoàn giáo dục Việt Nam khen thưởng, 25 cán bộ, giáo viên được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Ban giám hiệu nhà trường đã làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cả trong chuyên môn và lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Có nhiều giải pháp mạnh mẽ đổi mới sinh hoạt chuyên môn với mục tiêu “Biến mỗi giờ sinh hoạt chuyên môn thành giờ bồi dưỡng chuyên môn”. Đồng thời phát động phong trào nghiên cứu, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, tham gia giảng dạy trên internet, tham gia giao lưu chia sẻ với đồng nghiệp trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn bộ môn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có giải pháp thúc đẩy giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên. Đến nay, hầu hết giáo viên của trường đã sử dụng thành thạo máy tính để phục vụ công việc hành chính, soạn bài, khai thác mạng internet. Bên cạnh đó, nhà trường đã đổi mới phương pháp GD và ĐT, phối hợp giữa giáo dục trên lớp, ngoài giờ lên lớp, gắn với giáo dục tại gia đình và hoạt động xã hội. Bằng nhiều hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức sáng tạo, đa dạng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và khả năng nhận thức của học sinh, nhà trường đã phối hợp với Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, truyền thống của nhà trường. Đồng thời giáo dục cho các em ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục động cơ thái độ học tập đúng đắn, giáo dục giá trị nhân văn, lòng nhân ái, nếp sống văn hóa, giao tiếp văn minh và tham gia vào các hoạt động nhân đạo, duy trì và thực hiện nền nếp trong nhà trường. Các nội dung đạo đức thường được gắn với các chủ điểm nhân ngày lễ lớn, trong đó nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh học tập và tham quan phòng truyền thống nhà trường, học nội quy, tổ chức cam kết và ra quân bài trừ tệ nạn xã hội, phòng trừ ma túy, HIV/AIDS thông qua diễn đàn thanh niên, CLB, bảng tin và công tác truyền thông. Vì vậy, nhà trường đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối THPT và Huy chương Vì sự nghiệp thế hệ trẻ cho 9 thầy cô giáo, trao phần thưởng Lý Tự Trọng cho 3 đoàn viên xuất sắc… Song song với các hoạt động đoàn thể cho học sinh, nhà trường đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học tập của trò. Dạy kiến thức để hình thành phương pháp và rèn luyện tư duy, trên cơ sở đó, học sinh tự vận động để tiếp nhận kiến thức mới. Đồng thời tạo động lực và áp lực vừa sức nhằm khích lệ học sinh và giáo viên say mê, nghiên cứu, sáng tạo và tìm được niềm vui, yêu thích môn học, yêu công việc. Chú trọng đổi mới phương thức, hình thức kiểm tra, đánh giá và thường xuyên phát động và duy trì phong trào đăng ký giờ học tốt, học sinh học tốt, biểu dương khen thưởng kịp thời học sinh đạt nhiều điểm cao, phê bình nhắc nhở  học sinh bị điểm kém trong tuần… Thực hiện tốt việc thi đua, khen thưởng trong học sinh như chú ý động viên sự tiến bộ của học sinh, khen thưởng và rút kinh nghiệm kịp thời. Duy trì hiệu quả hoạt động của cán sự bộ môn, Đoàn trường đã tổ chức tốt Hội học vào dịp 26-3 hằng năm. Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã có 230 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 56 đội tuyển học sinh giỏi đạt các giải đồng đội từ giải khuyến khích đến giải nhì. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm đều đạt từ 96,7-100%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở nguyện vọng I đạt từ 68-72%. 
 
50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Trực Ninh liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, đồng thời là một địa chỉ mến mộ, là niềm tin yêu của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương. Nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997), hạng Nhì (năm 2002), được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia năm 2005. Những phần thưởng đó sẽ tạo nên một động lực mới để nhà trường tiếp tục phát triển, vững bước vươn lên tầm cao mới, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp GD và ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com