Nghĩa Hưng là huyện ven biển với đặc thù địa lý có chiều dài trên 60km, có 3 mặt giáp sông và 1 mặt giáp biển, dân cư phân bố không đồng đều. Ở một số địa phương tập tục ăn uống, sinh hoạt lạc hậu chậm được xóa bỏ, vệ sinh môi trường chưa được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp,… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh.
|
Cấp phát thuốc cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Trạm Y tế Thị trấn Liễu Đề. |
Trước tình hình trên, những năm qua huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo củng cố mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay hệ thống mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp từ huyện xuống tận thôn, xóm. Theo mô hình mới, hệ thống y tế của huyện gồm 1 phòng y tế, 1 trung tâm y tế, 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình và Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng), 25 trạm y tế xã, thị trấn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ được tăng cường đào tạo, đào tạo lại, được bổ sung qua các đợt thi tuyển viên chức, đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại địa phương, giảm tải bệnh nhân lên tuyến tỉnh, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã, thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các trạm y tế xã, thị trấn được từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo. Hiện tại 23/25 trạm y tế xã, thị trấn đã có bác sĩ; nhiều đơn vị có 2 bác sĩ như Trạm Y tế các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lạc và Thị trấn Quỹ Nhất. 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, 100% thôn, xóm có y tế thôn, xóm. Huyện chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới cộng tác viên y tế cơ sở để góp phần củng cố hệ thống y tế thôn, xóm thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn của các chương trình truyền thông lồng ghép. Bên cạnh đó huyện chú trọng hoàn thiện việc xây dựng xã đạt chuẩn Bộ Tiêu chí quốc gia mới về y tế giai đoạn 2011-2020. Năm 2014, huyện đã có 5 xã, thị trấn được công nhận xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, gồm các xã: Nghĩa Lợi, Nghĩa Sơn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình và Thị trấn Quỹ Nhất. Năm 2015, huyện có thêm 2 xã là Nghĩa Phong, Nghĩa Thịnh được công nhận xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia mới về y tế giai đoạn 2011-2020. 100% số trạm y tế trên địa bàn huyện đảm nhiệm việc khám, chữa bệnh BHYT, khám, chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác y tế dự phòng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt nhiều kết quả mới. Hằng năm Phòng Y tế huyện kết hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các đoàn thể huy động sức mạnh cộng đồng thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh và bảo vệ môi trường. Các đơn vị y tế từ huyện đến cơ sở chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch. Vì vậy, trong nhiều năm trên địa bàn huyện không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện; hiện đã có 23/25 xã, thị trấn có bãi tập kết rác thải. Tại các xã, thị trấn đều có tổ thu gom rác thải, tuần thu gom 1 lần; 73% số hộ gia đình trên địa bàn huyện có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% số hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt. Công tác tiêm chủng được triển khai đều đặn, đúng lịch, không xảy ra tai biến. Hằng năm duy trì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi trên địa bàn huyện được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%. Huyện thường xuyên kiểm tra, thanh tra, thẩm định các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm ăn uống đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều năm liền trên địa bàn huyện không có ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra. Chương trình uống bổ sung Vitamin A được triển khai tại 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện cho 98% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi.
Để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thời gian tới huyện tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho 2 bệnh viện đa khoa huyện và các trạm y tế xã. Có chính sách tăng cường bác sĩ về công tác tại các xã chưa có bác sĩ; cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng đơn vị về thực hiện xã hội hoá công tác y tế. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các xã, thị trấn đã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để nhân dân tự giác tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ như vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, phòng chống bệnh dịch, phòng chống các tệ nạn xã hội, hạn chế những thói quen có hại cho sức khoẻ, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng bảo đảm đủ điều kiện và năng lực kiểm soát, phát hiện, khống chế có hiệu quả các bệnh dịch nguy hiểm và các bệnh dịch mới, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong lĩnh vực phòng bệnh./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận