Du lịch Vườn quốc gia Xuân Thuỷ trong mùa chim di trú

09:11, 30/11/2015
Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy) là khu bảo tồn đất ngập nước ven biển nằm ở phía nam của sông Hồng có diện tích vùng lõi là 7.100ha tự nhiên (3.100ha diện tích đất nổi có rừng, 4.000ha diện tích đất rừng ngập nước) và 8.000ha vùng đệm. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau được coi là mùa chim di cư ở VQG Xuân Thuỷ khi nơi đây là điểm dừng chân, kiếm ăn và tích lũy năng lượng cho hành trình tiếp theo của đàn chim từ phương Bắc xuống phương Nam tránh rét. Vào mùa này, VQG Xuân Thuỷ trở thành “điểm đến” hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và cuộc sống thiên nhiên hoang dã.
Du khách tìm hiểu các loài chim di trú ở VQG Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Du khách tìm hiểu các loài chim di trú ở VQG Xuân Thuỷ (Giao Thuỷ).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Tại VQG Xuân Thủy, các nhà nghiên cứu đã thống kê được trên 219 loài chim thuộc 41 họ và 13 bộ, trong đó có 9 loài có tên trong sách đỏ quốc tế. Với sự độc đáo đó, tháng 9-1989, VQG Xuân Thuỷ được UNESCO công nhận là thành viên Công ước quốc tế Ramsar là công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước… và trở thành điểm Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á và duy nhất của Việt Nam hiện nay. Vào mùa chim di cư hằng năm, số lượng chim đến VQG Xuân Thủy lên tới 40 vạn con, thuộc hơn 100 loài khác nhau đã tạo sự hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu khoa học. Hiện nay trên khu vực VQG có 2 đơn vị là Ban quản lý (BQL) VQG Xuân Thuỷ và HTX du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân tổ chức khai thác thông qua các hoạt động du lịch. Theo đó, để đón tiếp và phục vụ du khách, thời gian qua BQL VQG Xuân Thuỷ đã được đầu tư, xây dựng nơi ăn nghỉ, một số chòi quan sát chim cho du khách... Hiện, BQL có 14 phòng ngủ đôi, có phòng ăn có sức chứa hàng trăm người, phòng họp hội nghị, ca nô chở khách; 5 hướng dẫn viên du lịch có nghiệp vụ vững vàng, trong đó những người hướng dẫn các đoàn khách xem chim được bồi dưỡng chuyên sâu sự hiểu biết về các loài chim trong VQG. Tuỳ điều kiện của du khách, các tour du lịch tham quan nơi đây sẽ diễn ra trong một ngày, hai ngày một đêm hoặc dài ngày. Du khách sẽ lên ca nô xuất phát từ trụ sở BQL VQG và đi thuyền dọc theo sông Vọp ra cửa Ba Lạt (cửa sông Hồng) rồi đến cuối Cồn Lu, Cồn Ngạn, là nơi tập trung của những đàn chim di trú, nơi ngụ cư của các loài chim nước quý hiếm. Trung bình mỗi năm, BQL VQG đón tiếp khoảng 10 nghìn lượt khách, trong đó cao điểm nhất là vào mùa chim di cư với mỗi tháng hàng trăm du khách. Từ tháng 10-2015 đến nay, BQL đã đón tiếp trên 20 đoàn khách tham quan, trung bình mỗi đoàn 20-25 người. Ngoài đối tượng khách du lịch trong nước, số lượng khách nước ngoài đến VQG tìm hiểu về các loài chim di cư khá đông. Các đoàn khách này chỉ từ 10-15 người thường là các nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên, người yêu thích các loài chim. Chúng tôi gặp ông Robert Jin, du khách Ốt-xtrây-li-a trong chuyến tham quan VQG Xuân Thủy với bạn bè vào cuối tháng 11-2015. Ông cho biết: “Tôi là người thích du lịch khám phá. Tôi biết đến VQG Xuân Thuỷ sau khi tìm hiểu trên hệ thống mạng internet. Đến VQG, được ngắm các loài chim di cư, được tìm hiểu cuộc sống của chúng, chúng tôi có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất này”. Bên cạnh việc tiếp cận VQG thông qua BQL, nhiều khách du lịch còn đến với VQG thông qua mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân. Anh Trịnh Văn Hậu, Trưởng ban điều hành du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân cho biết: Mô hình được triển khai từ năm 2005 do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) giúp các hộ tham gia làm du lịch bằng việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phòng ngủ, nghỉ, nấu ăn phục vụ du khách… Đến nay, các thành viên của HTX có thể đón tiếp 50-60 khách nghỉ đêm với giá 80 nghìn đồng/khách/đêm. Do giá cả hợp lý, hoạt động có tổ chức, hiện HTX có trên 20 đối tác khắp các nước: Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Trung Quốc… và các Cty, doanh nghiệp lữ hành trong nước. Đến với VQG Xuân Thủy trong mùa chim di cư, du khách sẽ được HTX tổ chức các tour du lịch hấp dẫn từ 1-3 ngày. Theo đó, du khách được đưa ra bến thuyền của xã Giao Lạc, sau đó lên thuyền có sức chứa tối đa 70 người đi 4-6km xuyên trong rừng đến các điểm xem chim trong vườn, lên các chòi quan sát để ngắm chim, được thăm khu nuôi thả ngao vạng với hàng trăm chòi vạng mọc lên giữa cảnh trời nước bao la. Ngoài hoạt động tìm hiểu cuộc sống của chim di cư, trong chuyến du lịch nơi đây du khách được tham gia nhiều hoạt động như tắm biển, ăn hải sản trên nhà giàn trông ngao giữa biển, du khảo đồng quê bằng hình thức đi xe đạp, tìm hiểu cuộc sống của người dân ở các xã vùng đệm VQG, giao lưu văn nghệ… Từ đầu năm 2015 đến nay, HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đón khoảng 400 khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc sống của các loài chim di cư, trong đó chiếm một nửa là khách quốc tế.
 
Du lịch mùa chim di cư chính là “điểm nhấn” trong hoạt động du lịch của tỉnh trong dịp cuối năm và đầu năm mới. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết chuyển rét muộn nên thời điểm này hoạt động xem chim tại VQG vẫn chưa thật sự sôi động. Dự kiến từ đầu tháng 12-2015 khi thời tiết chuyển rét, số lượng chim di cư tăng sẽ có đông du khách đến tham quan tìm hiểu hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch sinh thái nơi đây vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Điều kiện cơ sở hạ tầng du lịch tại VQG Xuân Thủy và các xã vùng đệm còn đơn giản, chưa quy hoạch chi tiết phân khu chức năng như bến tàu, thuyền, luồng lạch, cơ sở dịch vụ lưu trú, phương tiện chuyên chở… đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn nghỉ của du khách. Để đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian tới BQL VQG Xuân Thuỷ, HTX du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiềm năng của VQG trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống internet, qua các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành… Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách, qua đó thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phát triển./.
 
Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com