Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật, những năm qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều tuân thủ theo pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở các địa phương trong tỉnh.
|
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Thành phố Nam Định. |
Cùng với việc tổ chức triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, phổ biến và hướng dẫn thực hiện, công tác sắp xếp tổ chức và bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các ngành và địa phương được chú trọng. Hằng năm, UBND tỉnh có quyết định giao biên chế thực hiện nhiệm vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật cho từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị đã bố trí từ 1 đến 2 cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tháng 5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, trong đó có thành lập phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ thanh tra các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND, các phòng chuyên môn và cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; lãnh đạo UBND, cán bộ tư pháp - hộ tịch; địa chính - xây dựng và trưởng công an cấp xã về nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã xác định các vấn đề trọng tâm cần tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, gồm: công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; giải quyết khiếu nại, tố cáo, an ninh trật tự; y tế; xây dựng; giao thông; việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức… đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể của các ngành, đơn vị và địa phương trong việc theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý. Qua thực tế công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các địa phương, đơn vị cho thấy: Đối với công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương, đơn vị đều tuân thủ các quy định về thẩm quyền trong quá trình ban hành văn bản, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ cấp trên giao, đồng thời vận dụng sáng tạo, phát huy tiềm năng địa phương, thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, giúp ổn định chính trị, an ninh trật tự và kinh tế - xã hội phát triển. Trong việc theo dõi thi hành pháp luật ở lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Sở Công thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh để đánh giá đúng tình hình thị trường và nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên và nhân dân đối với lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chi cục quản lý thị trường thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại để kịp thời ngăn chặn, hạn chế hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lưu thông trên thị trường. Qua đó, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về gian lận thương mại trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, lĩnh vực y tế; trong kinh doanh xăng, dầu và khí hóa lỏng… trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra 2.500 lượt, xử lý trên 1.500 vụ, việc, phạt hành chính với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 600 triệu đồng. Việc theo dõi thi hành pháp luật ở lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy: Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tỉnh trong thời gian qua được duy trì nền nếp và có những chuyển biến tích cực. Đã thành lập được Ban tiếp công dân của tỉnh và các huyện, thành phố. UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo để giải quyết những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Các cơ quan, đơn vị đều chú ý xây dựng và thực hiện quy chế, quy trình tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đặc biệt trong quá trình giải quyết đã chú trọng tăng cường công tác đối thoại, giải thích cho các bên liên quan. Từ đầu năm đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh giảm so cùng kỳ, không phát sinh những vụ việc phức tạp; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 2.903 lượt người, giảm 216 lượt so cùng kỳ; tiếp nhận 1.801 đơn thư; có 112 vụ việc thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 79 vụ, việc đạt 70%; số vụ, việc còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Công tác xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế hành chính chưa thật sự triệt để, còn bỏ sót hành vi vi phạm, áp dụng không đúng quy định pháp luật; số lượng các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các lĩnh vực: Trật tự xã hội, ATGT, môi trường, đất đai, xây dựng... Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm… Nguyên nhân do nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế, một số quy định của pháp luật còn thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương; đội ngũ, cán bộ làm công tác theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc theo dõi thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật ở địa phương, trong đó đề cao hoạt động giám sát của HĐND và nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của UBND các cấp. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật cho lực lượng cán bộ, công chức ở địa phương để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị./.
Bài và ảnh:
Trần Văn Trọng