Anh Phạm Văn Định (SN 1983), trú tại xóm 7, xã Hải Phương (Hải Hậu) là 1 trong 2.762 người được trợ cấp thất nghiệp tháng 9-2015. Anh Định cho biết: Thời gian trước, anh làm việc tại Cty CP Đúc Chính Xác tại tỉnh Đồng Nai; do Cty bị giải thể, nên hơn 50 công nhân bị thất nghiệp. Anh trở về quê lập nghiệp, đăng ký và được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng (với mức trợ cấp là 3.263.000 đồng/tháng). Anh Định chia sẻ: “Nhờ có tiền trợ cấp thất nghiệp nên tôi trang trải được một phần sinh hoạt phí của gia đình. Hiện nay, tôi đang học nghề may, sau đó sẽ xin vào một Cty may trong CCN Hải Phương làm việc”. Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1977), ở phường Trần Quang Khải (TP Nam Định) làm việc tại Cty Youngone Nam Định, được Cty thực hiện nghiêm túc chính sách đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Vì sức khỏe yếu, chị xin nghỉ việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp 4 tháng. “Với số tiền được trợ cấp đã giúp tôi có chi phí mở một quán ăn, công việc này phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình tôi” - chị Dung tâm sự.
Ở tỉnh ta, BHTN được triển khai từ đầu năm 2010. Đồng chí Vũ Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB và XH) cho biết: Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc giải quyết thủ tục BHTN, thời gian qua Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại một số địa phương và khu công nghiệp; đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; cấp, phát các ấn phẩm tuyên truyền tờ rơi, sách tìm hiểu về BHTN, sách hỏi đáp về BHTN, sổ hướng dẫn nghiệp vụ về BHTN, pa-nô, áp phích... Trung tâm đã thành lập phòng BHTN và 6 điểm ủy thác tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản, Nghĩa Hưng. Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, số doanh nghiệp, người lao động tham gia BHTN ngày càng tăng; số lượng người đến đăng ký thất nghiệp chậm ngày càng giảm, tình trạng hồ sơ không đầy đủ, người lao động phải đi lại nhiều lần, bức xúc, khiếu nại cán bộ cũng được giảm thiểu đáng kể. Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 7.194 lượt đơn vị tham gia BHTN; có 444.534 người tham gia BHTN, trong đó, số lượng cán bộ công chức, viên chức là 31.308 người. Trong 5 năm qua, có 8.974 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả hơn 64 tỷ đồng; số người được tư vấn và giới thiệu việc làm là 9.538 người. Số đơn vị và số người tham gia BHTN tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2010 có 854 đơn vị, 57.681 người lao động tham gia BHTN thì năm 2014 có 1.667 đơn vị và 103.665 người lao động tham gia BHTN; 10 tháng năm 2015 có 118.103 người tham gia BHTN.
|
Cty Cổ phần Dệt may Sơn Nam là một trong 10 đơn vị tiêu biểu của tỉnh thực hiện nghiêm túc chính sách về BHTN. |
Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, thực hiện Luật Việc làm mới, việc triển khai BHTN gặp một số khó khăn, vướng mắc. Ngày 31-7-2015, Bộ LĐ-TB và XH đã ban hành Thông tư số 28 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN. Thông tư nêu rõ, người sử dụng lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia BHTN của người lao động cho tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN có hiệu lực. Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN và đang tham gia BHTN theo hợp đồng lao động có hiệu lực đầu tiên thì khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động đang tham gia BHTN dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN thì người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN của hợp đồng lao động kế tiếp theo quy định của pháp luật lao động phải lập và nộp hồ sơ tham gia BHTN của người lao động cho tổ chức BHXH trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng lao động nêu trên. Hồ sơ tham gia BHTN của người lao động trong trường hợp nêu trên nộp cùng với hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc của người lao động. Bên cạnh đó, một số quy định trong Thông tư 28 cũng khiến việc thực hiện chính sách BHTN gặp khó khăn. Cụ thể: Đối với người lao động đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp muốn chấm dứt hưởng trợ cấp để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí là rất khó, vì cơ quan BHXH thu sổ BHXH của người lao động, nên không thể đi làm chế độ hưu trí. Trong khi đó, người lao động muốn lấy sổ BHXH thì phải có quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chỉ có thể dự thảo quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động có quyết định hưởng lương hưu hằng tháng. Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định 28/2015, BHXH thực hiện chi trợ cấp tháng đầu tiên của người lao động trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện thời gian chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp của BHXH tỉnh bị lệch so với thời gian hưởng; thường BHXH chi trước, nên gây nhiều khó khăn cho Trung tâm thực hiện các thủ tục tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động…
Để BHTN thực sự là một chính sách an sinh xã hội hiệu quả cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp có hiệu quả của các ngành hữu quan trong công tác rà soát, vận động, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp trong việc đóng BHXH, BHTN cho người lao động; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động để người lao động thấy rõ lợi ích của bản thân khi tham gia BHXH, BHTN, từ đó họ mới vào cuộc cùng giám sát, đôn đốc đơn vị nơi họ làm việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về Luật BHXH, Luật Việc làm, trong đó có việc tham gia BHTN./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng