Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các nguồn lực đầu tư cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hoá theo tiêu chí NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, từ đó lập quy hoạch thực hiện 2 tiêu chí về văn hoá trong Bộ tiêu chí quốc gia NTM đối với 7 xã thí điểm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Ban chỉ đạo phong trào xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở thường xuyên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện tốt phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”; xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao gắn với các tiêu chí NTM, khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo, huy động công sức, tiền của của nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống NVH với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Tại các xã điểm thực hiện xây dựng NTM như: Trực Đại, Trực Hùng, Trực Nội, Trung Đông, Trực Thanh, Trực Hưng, Việt Hùng đã quy hoạch diện tích xây dựng NVH thôn, xóm theo quy định là 500m
2 trở lên đối với NVH xã, 350m
2 trở lên đối với NVH thôn, xóm. Hiện tại, 100% các xã, thị trấn trong huyện đều quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng NVH thôn, xóm. Toàn huyện hiện có 20 NVH xã, thị trấn, trên 200 NVH thôn, xóm, trong đó có khoảng 60% số NVH được xây mới đạt chuẩn NTM. Việc huy động sức người, sức của hoàn thiện hệ thống NVH được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ở thôn Sa Nhì, xã Trực Nội có một cá nhân ủng hộ 200 triệu đồng để xây dựng NVH. Thôn Nam Ngoại, xã Trực Mỹ, nhân dân đã góp sức đóng gạch ngói xây dựng NVH. Xóm Cường Phú, Nam Cường, Cường Hải (Trực Đại) huy động nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng xây dựng NVH và các thiết chế văn hoá… Hệ thống NVH, đặc biệt là NVH cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, làm cho cảnh quan các làng quê trong huyện ngày thêm khởi sắc. Từ khi xây dựng NVH, chất lượng hoạt động của các đoàn thể của các xã trong huyện chuyển biến về nhiều mặt, nếp sống sinh hoạt thường ngày của người dân có nhiều tiến bộ. Nhiều tổ, đội CLB được thành lập và hoạt động hiệu quả như: CLB văn nghệ quần chúng Thị trấn Cổ Lễ và các xã Trực Khang, Phương Định; CLB thơ các xã Trực Đạo, Trực Tuấn; CLB chèo Trực Cường, CLB dưỡng sinh Thức vũ kinh xã Trực Mỹ…
|
Nông thôn mới xã Trực Chính. |
Nhờ hoàn thiện thiết chế NVH đồng bộ, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao, đã tác động tích cực đến phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hoá”, công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tuyên truyền trên các cụm pa nô, khẩu hiệu, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh tại các địa phương, lồng ghép trong các hội nghị của các đoàn thể quần chúng... Xã Trực Tuấn là địa phương nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3, không có người nghiện ma tuý và tệ nạn xã hội. Các thôn trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước để nhân dân thực hiện, góp phần gìn giữ thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của quê hương, duy trì an ninh trật tự, tăng cường tính tự quản trong cộng đồng dân cư. Tiêu biểu là các thôn: Quần Lương, Tây Lạc, Việt Tiến, Nam Lạng… Đạt được kết quả trên là công sức của chi bộ, các đoàn thể và nhân dân từng thôn, xóm trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Từ việc thực hiện quy chế, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các thôn có nhiều khởi sắc: số hộ khá, giàu chiếm trên 30%; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, an ninh trật tự được giữ vững, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Xã Trực Thanh có 15/15 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hoá” và là địa phương tiêu biểu của huyện có số thôn giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” 10 năm liền như: thôn Ngọc Đông, thôn Duyên Lãng, thôn Bằng Trang… Xã Trực Chính có 86,5% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; nhiều thôn đạt tỷ lệ gia đình văn hóa cao từ 80-90%; tiêu biểu như các thôn: An Định (đạt 82%), An Khánh (đạt 86%), Dịch Diệp (đạt 91%)… Các gia đình văn hoá luôn thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ; chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ; năng động trong cơ chế mới, từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống, thu hút trên 70% số hộ tham gia nghề dệt với thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt được khôi phục, kinh tế phát triển, các hộ tích cực tham gia các phong trào của địa phương: 100% số hộ trong làng đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội”, tham gia sinh hoạt văn hoá, thể thao…
Việc thực hiện các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng NTM ở Trực Ninh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 333/391 thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hoá, tổ dân phố văn hoá”; 82% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 46/46 cơ quan, 88/90 trường học, 20/21 trạm y tế được công nhận đơn vị có “Nếp sống văn hóa”./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng