Với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú trong đó nổi bật là tài nguyên du lịch văn hoá, tài nguyên du lịch tự nhiên sinh thái, tỉnh ta có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, ngành du lịch tỉnh đã có nhiều khởi sắc, số lượng khách du lịch đến với tỉnh ngày càng đông, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ngày càng cao. Năm 2014, các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đón trên 2 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 466 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2015, có trên 2 triệu lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh, tăng 4,6% so với cùng kỳ; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 448 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu, điểm du lịch; chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước và nước ngoài; các sản phẩm du lịch của tỉnh mang yếu tố mùa vụ nên hiệu quả chưa cao; chất lượng nguồn du lịch thấp…
|
Du khách về dự Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định). |
Để tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh hơn nữa, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, ngày 17-8-2015, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch hành động số 65/KH-UBND với những giải pháp đưa ngành du lịch tỉnh phát triển, giai đoạn 2015-2020. Kế hoạch đã đưa ra 5 giải pháp là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch. Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, Sở VH, TT và DL đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hoạt động cổ động trực quan, lưu động, đặc biệt trên website của ngành:
dulichnamdinh.com.vn. Tiếp tục thực hiện tốt định hướng phát triển du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nghiên cứu, trình UBND tỉnh quy hoạch chi tiết một số khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp, Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy…, là cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật. Sở VH, TT và DL chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác bảo đảm môi trường du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên, cảnh quan, đảm bảo ANTT, an toàn tính mạng, tài sản cho khách du lịch. Sở VH, TT và DL có kế hoạch phối hợp với Sở Công thương tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu hàng lưu niệm và lựa chọn giới thiệu các sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm quà lưu niệm của du khách, góp phần nâng cao thu nhập xã hội; phối hợp với Sở KH và ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch trên địa bàn; phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng phục vụ khách đến với các điểm du lịch trong tỉnh… Sở KH và ĐT sẽ rà soát việc triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch biển, tham mưu cơ chế tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch; đôn đốc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng du lịch có nguồn gốc từ chương trình mục tiêu đang triển khai tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; ưu tiên kinh phí từ chương trình mục tiêu cho các dự án hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch quốc gia như Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy, Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp; đầu tư xây dựng các khu du lịch biển: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông ngày càng hiện đại, văn minh gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường; mở rộng khả năng kết nối giữa các khu du lịch này với các điểm tham quan di tích, danh thắng trong vùng nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu du lịch.
Sở LĐ-TB và XH, Sở Công thương triển khai chương trình đào tạo nghề du lịch, các ngành nghề sản xuất, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản địa phương cho lao động nông thôn tại các địa bàn có các khu, điểm du lịch theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ và Chương trình khuyến công nhằm cung cấp, bổ sung nguồn nhân lực du lịch tại chỗ cho các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở sản xuất sản phẩm, hàng hoá phục vụ khách du lịch. Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả dịch vụ, đảm bảo chất lượng ATVSTP. Sở TN và MT rà soát, báo cáo UBND tỉnh thu hồi diện tích đất đã cấp cho các dự án tại các khu du lịch biển mà chủ đầu tư không thực hiện để cấp cho các dự án khác có tính khả thi, ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng khách sạn, nhà hàng cao cấp. Sở GTVT thẩm định cấp biển hiệu ô tô vận chuyển khách du lịch. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường và bảo đảm ATVSTP; đẩy mạnh việc chấn chỉnh ANTT, bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các khu, điểm du lịch. Sở VH, TT và DL chỉ đạo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip khảo sát các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để xây dựng các chương trình, tour cho khách du lịch trong nước và quốc tế đến với tỉnh.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, hoạt động du lịch của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch tỉnh cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế khi thu hút 3,2 triệu lượt khách, trong đó có 70 nghìn lượt khách quốc tế, thu nhập đạt 1.600 tỷ đồng; là cơ sở đến năm 2030, tỉnh ta trở thành tỉnh có ngành du lịch phát triển với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh:
Đức Thiện