Tập trung cải tạo các điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông

07:10, 22/10/2015
Những năm qua kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 12.277km, gồm 5 tuyến Quốc lộ (QL): 10, 21, 21B, 37B, 38B và 1 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng chiều dài 226km; 406km đường tỉnh và đường đô thị; 410km đường huyện; 1.788km đường xã - liên xã; 4.098km đường thôn, xóm; 5.318km đường trục nội đồng và 31km đường chuyên dùng... Tuy nhiên trong quá trình đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ đã phát sinh những điểm bất hợp lý, gây mất an toàn cho hoạt động giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT như: các điểm đấu nối đường địa phương với đường tỉnh lộ, QL chưa được lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo giao thông; nhiều điểm giao cắt với các đường nhánh khác ngay tại các điểm cong hoặc bị nhà dân, cây cối che khuất tầm nhìn tạo thành các điểm đen về TNGT. Ngoài ra, còn có tới 271 đường ngang dân sinh bất hợp pháp giao cắt với đường sắt là nơi thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, TNGT.
 
Ban ATGT tỉnh phối hợp với Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Ninh đóng đường ngang dân sinh bất hợp pháp tại địa phận xã Yên Ninh (Ý Yên), góp phần bảo đảm ATGT.
Ban ATGT tỉnh phối hợp với Cty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Ninh đóng đường ngang dân sinh bất hợp pháp tại địa phận xã Yên Ninh (Ý Yên), góp phần bảo đảm ATGT.
Để khắc phục các bất cập kể trên theo chỉ đạo của Uỷ ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và của UBND tỉnh, Sở GTVT đã có các văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm đấu nối từ đường địa phương vào QL; đồng thời sắp xếp, bố trí hợp lý nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ cải tạo, khắc phục bất cập nhằm bảo đảm ATGT. Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, các xã, phường, thị trấn tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê trên địa bàn những vị trí dễ xảy ra tai nạn, những điểm giao cắt nguy hiểm cần xử lý ngay, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để khắc phục, cải tạo các điểm đấu nối, các vị trí cần phải cắm biển hạn chế tải trọng, làm gờ giảm tốc từ các đường địa phương ra đường ưu tiên, đặc biệt là cắm biển báo hạn chế tốc độ ở các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT). Theo đó, Ban ATGT tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý QL 10, QL 21B tiến hành kiểm tra, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Hiện đã cải tạo, tổ chức lại giao thông nút giao Km105+300, vị trí QL 10 giao cắt với đường Trần Tự Khánh (TP Nam Định) và Km107+070 (đảo giao thông vòng xuyến khu vực đường BOT - Trung tâm thương mại BigC), trong đó đã lắp cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông. Đã hoàn thành cải tạo điểm đen mất ATGT tại Km135+615 QL 10 đầu cầu Non Nước phía Nam Định. Sửa chữa mặt đường một số đoạn, một số cầu, cắm biển hạn chế tốc độ 60 km/h tại các đoạn có nguy cơ TNGT cao trên QL 10 đoạn từ Thành phố Nam Định - Cầu Non Nước. Cắm biển "Điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định" trên QL 10 địa bàn Thành phố Nam Định; đưa hệ thống camera giám sát, theo dõi, điều hòa giao thông trên QL 10 địa phận Thành phố Nam Định tại nút giao: Km103+600 (Khu vực ngã tư Đệ Tứ); Km104+230 (Khu vực cầu Vĩnh Giang); Km107+070 (Khu vực Trung tâm thương mại BigC) vào hoạt động, phục vụ công tác xử lý xe ô tô đậu, đón trả khách tùy tiện phức tạp, gây mất trật tự ATGT. Bằng các nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và từ Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh, cộng với các nguồn vốn khác, những năm qua, Sở GTVT Nam Định đã triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống đảm bảo ATGT trên các tuyến QL Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý (21, 37B, 38B) và các tuyến đường tỉnh, nhất là tại các vị trí đường ngang giao cắt. Phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý tiến hành kiểm tra và đang tiếp tục cải tạo một số điểm nguy cơ cao mất ATGT. Tổng số tiền đầu tư cải tạo, khắc phục các điểm bất hợp lý trên tuyến giao thông đường bộ trong 3 năm qua đạt khoảng gần 20 tỷ đồng. Tại các điểm giao cắt đường bộ qua đường sắt, UBND tỉnh đã cố gắng bố trí nguồn kinh phí để làm đường gom dân sinh, đóng 5 điểm đường ngang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT nhất và lắp đặt biển báo “Chú ý tàu hoả” tại 34 đường ngang dân sinh khác trong khi chờ kinh phí làm đường gom của ngành đường sắt. Một số doanh nghiệp nằm ven đường sắt cũng tự nguyện đầu tư kinh phí làm đường gom mở lối đi chung, lắp đặt ba-ri-e, bố trí người cảnh giới, bảo đảm ATGT như: các doanh nghiệp trên địa phận xã Tân Thành (Vụ Bản); Cty Hoàng Long tại địa phận huyện Mỹ Lộc. Tại các huyện, thành phố cũng đã bố trí kinh phí từ nhiều nguồn vốn để cắm bổ sung biển báo hiệu đường bộ, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính… Bên cạnh việc đầu tư, cải tạo, khắc phục bất cập của hệ thống cơ sở hạ tầng, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến người dân và lái xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT khi lưu thông qua các điểm đen về TNGT trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm hay xảy ra TNGT, các điểm ùn tắc cục bộ, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng phương tiện, nhất là vào giờ cao điểm; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi có thể gây tai nạn như: phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu, bia, tránh vượt sai quy định, lạng lách đánh võng… nhằm bảo đảm trật tự ATGT.
 
Xác định công tác khắc phục các điểm bất cập trong tổ chức giao thông là một trong những nhiệm vụ thường xuyên để bảo đảm trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương sẽ tích cực phối hợp khảo sát, thống kê để chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT, phát hiện các “điểm đen” mới phát sinh, phức tạp về trật tự ATGT; các bất hợp lý về tổ chức giao thông để có biện pháp xử lý khắc phục. Thực hiện nghiêm túc quy trình các bước: lập hồ sơ theo dõi về tổ chức giao thông đường bộ, trong đó có hồ sơ điều tra cơ bản các tuyến đường, kết quả khảo sát và kiến nghị, bản đồ giao thông…; lập kế hoạch khảo sát tổ chức giao thông đường bộ; tiến hành khảo sát hệ thống báo hiệu đường bộ, các nút giao, các khiếm khuyết của công trình giao thông, các điểm đen TNGT…; tổng hợp số liệu thực tế khảo sát trên tuyến kết hợp với số liệu TNGT để đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan khắc phục kịp thời. Hạn chế phát sinh bất cập ngay từ khâu thiết kế, xây dựng mạng lưới giao thông theo từng khu vực, từng đô thị gắn với tổ chức mạng lưới giao thông toàn tỉnh và trong cả nước. Trước khi cấp phép thi công điểm đấu nối phải rà soát kỹ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đối chiếu các nội dung của văn bản chấp thuận cho đấu nối, văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật, tiêu chuẩn thiết kế và các quy định hiện hành rồi mới xem xét cấp phép thi công. Tăng cường giám sát thi công tại điểm đấu nối, kiểm tra hiện trường, nếu không bảo đảm theo thiết kế kỹ thuật và tổ chức giao thông được chấp thuận, kiên quyết yêu cầu chủ công trình sửa chữa, bổ sung bảo đảm yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp đấu nối trái phép, kiên quyết xử lý đóng ngay các điểm đấu nối trái phép vào QL./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com