Năm học 2014-2015 ngành GD và ĐT tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD và ĐT. Sau một năm học thực hiện, những thắc mắc, băn khoăn của các bậc phụ huynh dần được tháo gỡ. Việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã giúp các nhà trường từng bước điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở phù hợp với năng lực học sinh.
Để việc đổi mới triển khai hiệu quả, Sở GD và ĐT cử cán bộ quản lý phòng GD và ĐT các huyện, thành phố tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT tổ chức để triển khai tập huấn cho 100% số cán bộ quản lý, giáo viên các trường về cách đánh giá học sinh nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện. Sở GD và ĐT cũng yêu cầu các trường giải đáp các ý kiến của cán bộ, giáo viên, phụ huynh về việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Nhiều trường đã tổ chức các buổi thảo luận về cách tổ chức lớp, cách nhận xét ngắn gọn, hiệu quả, cách nhận xét học sinh theo tổ, theo từng bộ môn. Bên cạnh đó, các nhà trường đã phổ biến đến bậc phụ huynh trong cuộc họp đầu năm về chủ trương này để phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thực hiện. Cô Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) cho biết: “Thời gian đầu triển khai việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên khác trong trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, trong suốt năm học, cách đánh giá học sinh bằng nhận xét chi tiết đã giúp giáo viên sâu sát học sinh hơn, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Việc không đánh giá bằng điểm số đã giúp học sinh bớt đi áp lực về thành tích, không khí lớp học trở nên thân thiện, gần gũi hơn”.
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Hải Châu (Hải Hậu) trong một giờ học. |
Qua một năm học triển khai thực hiện, hầu hết giáo viên cũng như phụ huynh đều có nhận xét: Việc thực hiện quy định đã giảm được áp lực học tập, chỉ rõ những hạn chế của học sinh, hướng giải quyết để gia đình, nhà trường, học sinh cùng phối hợp thực hiện. Đặc biệt, đã kịp thời động viên, khuyến khích học sinh tích cực phát huy hết khả năng của mình. Vì vậy, khi triển khai quy định mới, các trường tiểu học cũng bớt bỡ ngỡ khi triển khai đại trà trong cả bậc học, mặc dù giáo viên sẽ gặp phải những khó khăn ban đầu khi phải dành nhiều thời gian để nhận xét, đánh giá, phải lựa chọn lời nhận xét mang tính tích cực, động viên, tìm giải pháp khắc phục yếu kém cho học sinh. Việc đánh giá học sinh cũng phải bảo đảm toàn diện cả về kiến thức văn hóa lẫn đạo đức, năng lực tiếp thu; đặc biệt đánh giá trên 3 tiêu chí là: làm được gì, hạn chế gì và giải quyết hạn chế đó như thế nào chứ không như trước đây chỉ dựa trên kết quả làm bài, từ đó giáo viên cho điểm, đánh giá học sinh trên điểm số bài làm. Điều đó đòi hỏi mỗi giáo viên phải thực sự tâm huyết mới có thể đưa ra những đánh giá công tâm giúp học sinh tiến bộ, khuyến khích học sinh giỏi. Bên cạnh đó, cùng với việc đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, giáo viên sẽ phải đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh. Với cách đánh giá kết quả học tập mới này, tùy theo tình hình thực tế học tập của mỗi học sinh mà giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết vào vở bài làm của học sinh để học sinh biết cách khắc phục các lỗi mình mắc phải hoặc có thể ghi vào sổ theo dõi đánh giá những điều cần lưu ý để có kế hoạch giúp đỡ học sinh. Đây là những việc làm cần thiết để giúp học sinh học tập tốt hơn, không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh về điểm số trong các buổi học. Tuy nhiên, áp lực thời gian, sổ sách và khó khăn trong từng lời nhận xét đang là băn khoăn của không ít thầy cô giáo. Nhiều giáo viên cho biết, họ mất từ 3 đến 5 phút cho việc ghi lời nhận xét vào vở một học sinh; một ngày cố gắng lắm cũng chỉ nhận xét được khoảng 10 em. Vậy những em còn lại sẽ ra sao? Đó là chưa kể hằng tuần, hằng tháng và nặng nhất là cuối học kỳ, cuối năm học, mỗi giáo viên phải đánh giá, ghi chép vào cả chục cuốn sổ như: sổ quản lý giáo dục, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ, sổ bồi dưỡng thường xuyên, sổ liên lạc, học bạ… Trong đó, không ít sổ yêu cầu tương tự nhau nhưng giáo viên vẫn cứ phải ghi chép tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, theo Thông tư 30, nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Do đó dẫn đến việc có trường siết chặt tỷ lệ học sinh được khen thưởng và nội dung trong giấy khen của từng trường cũng không thống nhất, chung chung, nhiều khi trừu tượng, “khích lệ” quá đà, dẫn đến tình trạng phụ huynh không thể hiểu được con mình đang ở mức độ nào để điều chỉnh.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định: Thông tư 30 có mặt tích cực nhìn thấy rõ như trẻ sẽ được động viên, chia sẻ, khích lệ, giảm tải học... Tuy nhiên, việc chấm điểm đã quen từ nhiều năm nên việc thay đổi cần thêm thời gian để cả phụ huynh lẫn nhà trường thích nghi. Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng, nên kết hợp giữa định tính và định lượng trong đánh giá, xếp loại học sinh. Đổi mới không nhất thiết là phải làm khác cái cũ mà phải bổ sung, hoàn thiện cái cũ phù hợp với đặc điểm của GD và ĐT hiện nay. Mặc dù còn có những lo lắng, băn khoăn khi tiếp nhận cách thức đánh giá mới nhưng với mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện, tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, ngành GD và ĐT tỉnh đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất hơn nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học./.
Bài và ảnh:
Hồng Minh