Phát triển sự nghiệp y tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

07:10, 01/10/2015
Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/2005/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng để củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế. Công tác truyền thông giáo dục y tế, vệ sinh phòng bệnh, môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được tăng cường. Công tác y tế dự phòng được đầu tư đồng bộ về đội ngũ cán bộ, trang thiết bị, hoạt động hiệu quả, đã khống chế được nhiều bệnh dịch, bệnh hiểm nghèo… Chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu của người dân được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; các trung tâm y tế dự phòng, các trạm y tế xã, phường, thị trấn được từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
 
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh hiện có 20 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, 7 trung tâm y tế chuyên khoa tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, 10 trung tâm DS-KHHGĐ huyện, 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hằng năm, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch khám, chữa bệnh, công suất giường bệnh đạt 100-130%. Ngày điều trị trung bình của bệnh viện các tuyến đạt và giảm so với kế hoạch; số lần khám bình quân đạt 2,5 lần/người/năm, giảm các tai biến trong điều trị và tỷ lệ tử vong trước 24 giờ. Việc cải cách thủ tục hành chính, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, giao tiếp ứng xử, thực hiện 12 điều y đức ở các cơ sở khám, chữa bệnh đã có chuyển biến tích cực; các bệnh viện tuyến trên luôn tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyến cơ sở tiếp cận nâng cao kỹ thuật, chuyên môn. Công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật công nghệ y học tiên tiến, công nghệ tin học trong quản lý điều hành, khám, chẩn đoán, điều trị đã được chú trọng triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả ở các đơn vị. Các bệnh viện đều coi trọng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền/tổng số khám, chữa bệnh chung đạt 12-15%. Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được tỉnh chú trọng triển khai, nhất là về truyền thông, phổ biến những kiến thức cơ bản phòng, chống các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não, cúm A H5N1, H7N9. Hằng năm, UBND tỉnh phát động “Tháng hành động VSMT”, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP”, “Ngày thế giới phòng, chống Lao”, “Ngày thế giới phòng, chống AIDS”... nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đối với việc bảo vệ sức khỏe. Các đơn vị y tế dự phòng trong tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện, dập dịch kịp thời, không để xảy ra tử vong. Chương trình tiêm chủng mở rộng được bao phủ rộng khắp; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ qua các năm đều đạt trên 95%. Do thực hiện tốt công tác VSATTP nên số ca, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể hằng năm đều giảm, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm tập thể. Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai, thực hiện đồng bộ đã giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS trong xã hội. Đến nay 70% người nhiễm HIV/AIDS có danh tính trên địa bàn tỉnh được tư vấn chăm sóc, tỷ lệ nhiễm HlV/dân số hằng năm đều duy trì tỷ lệ dưới 0,2%. Công tác quản lý hành nghề y dược được tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; đến nay đã có 1 bệnh viện tư nhân; 19 phòng khám đa khoa; 167 phòng khám chuyên khoa; 276 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền được cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh. Công tác củng cố kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở được tỉnh quan tâm đầu tư. Đội ngũ cán bộ y, bác sĩ công tác tại trạm y tế được đảm bảo tăng cường. Đến nay, 100% số trạm y tế đang đảm nhiệm khám, chữa bệnh BHYT, khám, chữa bệnh cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong công tác đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở, tại tuyến tỉnh đã tiếp nhận, lắp đặt và đưa vào sử dụng 42 loại trang thiết bị máy móc do Dự án ADB cung cấp. Xây dựng phòng xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán cúm A và các tác nhân gây bệnh khác. Trong giai đoạn 2008-2015, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo Quyết định 47/2008/QĐ-TTg, tổng mức đầu tư 735,120 tỷ đồng. Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009-2015 theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30-6-2009. Bệnh viện Phụ sản thực hiện Dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II, từ nguồn vốn vay của JICA( Nhật Bản). Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản và 3 bệnh viện huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại 5 nhóm chuyên khoa: ung bướu, tim mạch, sản, nhi và chấn thương; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật của ngành Y tế, các bệnh viện tỉnh, huyện tham gia trong Dự án. Tổng mức đầu tư từ 2014-2019 khoảng 10 triệu USD, tương đương 220 tỷ đồng. Về đầu tư hạ tầng y tế cơ sở, từ năm 2011 tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trạm y tế xã bằng nguồn vốn địa phương: xây mới hỗ trợ 1,5 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa hỗ trợ tối đa 700 triệu đồng, tính đến nay đã hỗ trợ 37 tỷ đồng cho các trạm y tế xã. Đến nay các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như mổ nội soi, mổ PHACO lạnh, siêu âm màu, điện quang, truyền hình tăng sáng, máy chụp cắt lớp, máy xét nghiệm kháng thể ELIZA... Công tác quản lý Nhà nước về dược thực hiện hiệu quả. Mạng lưới cung ứng thuốc đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, thuốc chuyên khoa có chất lượng; duy trì đủ cơ số thuốc phòng, chống bão lụt, thiên tai tại các đơn vị y tế trong ngành. Công tác đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập được tổ chức công khai, rộng rãi, minh bạch, đúng luật định, tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh trong cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại địa phương. Hoạt động sản xuất thuốc phát triển mạnh theo hướng CNH-HĐH, đã có 4 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” GMP, nhiều sản phẩm mới được lưu hành. Từ 2005, các đơn vị y tế đặc biệt là các bệnh viện đã thực hiện công tác xã hội hoá y tế theo hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn mua trang thiết bị công nghệ cao, chuyển giao kỹ thuật y học tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng điều trị như: CTscanner, XQ kỹ thuật số, xét nghiệm tự động, siêu âm màu, nội soi, thận nhân tạo… góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho dự án xây dựng bệnh viện tư nhân, nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân tại Thành phố Nam Định phát triển…
 
Tuy nhiên trên thực tế chất lượng khám, chữa bệnh ở một số tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt là thiếu thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành. Công tác xã hội hoá y tế còn hạn chế về nhận thức cũng như tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành. Việc duy trì các chuẩn ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác vệ sinh môi trường nông thôn, nâng cấp trang thiết bị chuyên môn, chính sách đầu tư kinh phí hoạt động thường xuyên và tăng cường nhân lực chưa thoả đáng. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện chưa cao. Tác động của cơ chế thị trường dẫn đến tiêu cực trong ngành Y tế còn xảy ra. Để khắc phục tồn tại, thời gian tới tỉnh tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ và quan điểm của Nghị quyết số 46-NQ/TW, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác y tế. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới khám, chữa bệnh các tuyến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thông qua việc phát triển các kỹ thuật y học tiên tiến, các chuyên khoa sâu, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị kỹ thuật cao. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như: Khám, chữa bệnh theo yêu cầu, mô hình bác sĩ gia đình, trung tâm tư vấn sức khỏe nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nhiều loại hình dịch vụ y tế. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong lĩnh vực phòng bệnh. Thực hiện hiệu quả các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, lồng ghép các chương trình mục tiêu y tế để tăng cường chất lượng, hiệu quả và giảm chi phí y tế. Tăng cường công tác xã hội hoá y tế để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com