Mặc dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau nhưng chị Đinh Thị Kim Yến, phó quản đốc phân xưởng 1, tổ trưởng tổ sản xuất 3B, Cty CP May Nam Hà (Công đoàn ngành Công thương) và chị Hoàng Thị Sinh, tổ trưởng bộ môn ngoại ngữ, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Công đoàn giáo dục thành phố) đều là những tấm gương điển hình trong “vườn hoa” thi đua “hai giỏi”. Với sự nỗ lực, cố gắng, các chị không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), cô giáo trẻ Hoàng Thị Sinh được điều động về Trung tâm giáo dục thường xuyên Trần Phú (TP Nam Định). Đến năm 2004, cô được luân chuyển về làm giáo viên tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định). Gần 30 năm trong nghề, cô đã nâng đỡ, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trưởng thành. Trong công việc, cô luôn luôn cố gắng trau dồi kiến thức, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng nhiều hình thức truyền đạt kiến thức sinh động, hấp dẫn. Cô lên ý tưởng và thành lập nhóm học, chia sẻ những hướng dẫn học sinh cách phát âm chuẩn tiếng Anh, phương pháp học từ mới, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài... Bên cạnh công tác giảng dạy, cô còn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào quá trình giảng dạy tiếng Anh trong trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Đến nay, cô đã có hàng chục sáng kiến cấp trường, 4 sáng kiến cấp ngành, trong đó tiêu biểu là sáng kiến “Một số biện pháp khai thác hiệu quả sách giáo khoa để dạy đọc hiểu tiếng Anh lớp 12”. Với đề tài này, cô đã đưa ra các phương pháp dạy đọc hiểu tiếng Anh giúp học sinh dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình học. Sáng kiến còn giúp điều chỉnh một số phần trong bài học bằng cách bỏ bớt, sắp xếp lại, thay thế, kết hợp hoặc thêm vào cho phù hợp. Sau một năm áp dụng sáng kiến này vào thực tế giảng dạy tại trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Học sinh lấp dần được những kiến thức thiếu hụt, nâng cao kỹ năng trong việc sử dụng tiếng Anh; giúp các em hứng thú trong giờ học; đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại trường. Kết quả thi cuối năm có 100% học sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ khá, giỏi cao. Ngoài ra, cô còn thường xuyên quan tâm phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp các em tìm hiểu nhiều phương pháp tự học, tự rèn và say mê học tập, đạt thành tích cao. Đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh do cô phụ trách liên tục đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh toàn tỉnh. Với trình độ chuyên môn vững vàng, cô được nhà trường phân công làm tổ trưởng bộ môn ngoại ngữ và nhiều năm liền cô đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. Với sự kiên trì, chịu khó, khiêm tốn học hỏi, giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cô luôn được đồng nghiệp và các thế hệ học sinh và phụ huynh tin yêu. Không chỉ vậy, trong gia đình, cô còn là một người vợ, người mẹ “đảm việc nhà”, hai con của cô đều học hành giỏi giang. Hiện con trai đầu đã học xong thạc sĩ, con thứ 2 đang học lớp 11 chuyên Tin Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
|
Cô giáo Hoàng Thị Sinh, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định)hướng dẫn học sinh học tiếng Anh. |
Là công nhân khối sản xuất, chị Đinh Thị Kim Yến, phó quản đốc phân xưởng 1, tổ trưởng tổ sản xuất 3B, Cty CP May Nam Hà luôn chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vào làm việc ở Cty từ năm 1987, nhờ có tay nghề vững, năm 1993, chị được phân công làm tổ phó tổ sản xuất rồi tổ trưởng tổ sản xuất. Năm 2004, chị là phó quản đốc phân xưởng 1 kiêm tổ trưởng tổ 3a và 3b. Mặc dù không còn trực tiếp sản xuất nhưng với kinh nghiệm đã tích lũy được, chị luôn chịu khó tìm tòi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất cho Cty. Từ năm 2010 đến nay, chị có nhiều sáng kiến kinh nghiệm như các sáng kiến bỏ đường ghim điều tiết trong khâu làm ống quấn; bỏ đường chặn 1 kim của máy khuy móc; bỏ đường chắp sườn... Tiêu biểu nhất là sáng kiến bỏ đường chắp sườn của sản phẩm. Trước đây, với công đoạn chắp sườn 4 lá, công nhân phải thao tác 5 bước bao gồm chắp và may từng lá lẻ, sau đó chắp 4 lá lẻ vào nhau để hoàn thành công đoạn. Công đoạn này làm vừa mất thời gian, công sức công nhân và chi phí của Cty. Chị đã mày mò và sáng kiến ra kỹ thuật chắp 4 lá mà bỏ qua công đoạn chắp lẻ từng lá. Áp dụng vào sản xuất, sáng kiến của chị đã giúp người lao động tăng năng suất lên 1,5 lần so với trước mà chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo theo yêu cầu nghiêm ngặt của Cty. Hay sáng kiến bỏ đường chặn 1 ghim của máy khuy móc của chị đã khắc phục hạn chế của quy trình này bằng cách cải tiến và tìm ra kỹ thuật mới bỏ đường chặn 1 kim của máy khuy móc, giúp tăng năng suất lao động của công nhân lên gấp 1,3 lần. Sau khi áp dụng thành công và đạt hiệu quả cao tại tổ, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của chị được Cty kiểm tra, thẩm định sau đó đưa ra áp dụng tại 24 tổ sản xuất làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, chị Yến còn luôn quan tâm, giúp đỡ công nhân tay nghề yếu tiến bộ. Nhiều công nhân được chị giúp đỡ đã nâng cao tay nghề đã vươn lên trong công việc có mức lương cao trong Cty, nhiều người trở thành tổ trưởng, tổ phó tổ sản xuất. Với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Cty đánh giá cao. Cùng với làm tốt công việc ở Cty, chị đã thu xếp thời gian hợp lý chăm lo cho gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Hai con chị, cháu lớn đỗ vào Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội với kết quả cao; cháu bé nhiều năm liền là học sinh giỏi Trường THCS Trần Đăng Ninh, hiện là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Mặc dù ở những công việc, cương vị khác nhau nhưng với sự cần cù, năng động, tinh thần cầu tiến, khắc phục mọi khó khăn, các chị là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xứng đáng là người phụ nữ Việt Nam của thời đại CNH-HĐH “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”./.
Bài và ảnh:
Hoàng Dung