Người "vác tù và hàng tổng"

09:10, 09/10/2015
Người dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) từ nhiều năm nay đã quen với hình ảnh một cựu chiến binh (CCB) cần mẫn với công việc nhặt rác bao bì thuốc trừ sâu, túi bóng… ở các bờ ruộng, dòng kênh, mương để bảo vệ môi trường cho làng quê. Đó là CCB Trần Văn Ánh, xóm 4, xã Mỹ Hà.
 
Điểm tập kết và thu gom rác thải của CCB Trần Văn Ánh.
Điểm tập kết và thu gom rác thải của CCB Trần Văn Ánh.
Vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông, gắn bó với đồng ruộng nên mỗi lần nhìn thấy những cánh đồng xanh bát ngát vương vãi đầy bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không ai thu dọn, ông cảm thấy rất bức xúc. Nhiều khi ông tự đặt câu hỏi, đàn bò mà ông chăm bẵm lâu nay có thể bị nhiễm bệnh từ chính những chai, vỏ thuốc trừ sâu vứt đầy ruộng, kênh mương thì sao? Hay lỡ may ai đó đi làm đồng tối về chân dẫm phải các loại chai lọ, túi đựng độc hại đó? Qua đó, ông thấy cần phải tuyên truyền sâu rộng đến người dân về ý thức tham gia bảo vệ môi trường một cách lành mạnh. Thế rồi, một ngày, hai ngày, một năm, hai năm, ông Ánh cần mẫn trên khắp các cánh đồng làm công việc “vác tù và hàng tổng” thu gom rác tại đồng ruộng. Từ năm 2012 đến nay, công việc này đã trở thành một thói quen không thể bỏ được của ông. Ông Ánh cho biết: tình trạng người dân khi phun thuốc BVTV đã vứt các bao bì, rác thải xuống kênh mương hoặc ngay trên đầu bờ ruộng gây ra những tác hại không nhỏ tới môi trường, làm ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng lập các điểm thu gom rác để người dân có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường sống. Cứ sau mỗi đợt người dân trong xã phun thuốc trừ sâu phòng, chống bệnh hại lúa thì cũng là lúc công việc của CCB Trần Văn Ánh bắt đầu. Vào mỗi buổi sáng, người trong xóm, ngoài thôn lại bắt gặp ông tất bật, cần mẫn vừa chăn thả bò vừa đi lượm những vỏ bao bì tập trung lại và đem đi tiêu hủy. Rồi ông mạnh dạn làm đơn lên xã xin dựng các điểm thu gom rác thải tập trung. Đầu năm 2015, thấy được việc làm ý nghĩa và hết sức quan trọng đó của ông, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Hà cho phép ông cắm biển thu gom rác để người dân biết và có ý thức đem đến nơi vứt đúng quy định. Được chính quyền ủng hộ, ông đã đầu tư 4 triệu đồng mua các tấm bạt về may thành túi rồi cắm biển báo để cho người dân nhận biết các điểm thu gom rác. Ông Ánh cho biết thêm: “tôi chọn địa điểm đặt biển là những nơi tiện đường đi lại của người dân như: đầu đường, khu vực ngã ba, ngã tư, những vị trí thuận tiện nhất để người dân có thể vứt rác một cách dễ dàng”… Đến nay, ông đã dựng được 16 điểm thu gom rác thải. Mỗi đợt phun thuốc trừ sâu, ông đều ra ruộng vận động, tuyên truyền bà con mang vỏ bao bì thuốc BVTV đến các điểm thu gom rác để vứt. Không chỉ tập kết rác thải về một chỗ mà ông còn tiến hành thu gom lại để đem đi tiêu hủy. Tuy nhiên, việc làm ý nghĩa này của ông, ban đầu không phải ai cũng hiểu cho. “Một số người dè bỉu công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này của tôi. Họ cho rằng tôi có “vấn đề” khi kinh tế gia đình không khấm khá là bao mà còn đi làm những việc không đâu. Tuy nhiên, tôi không nản vì đằng sau có sự ủng hộ rất lớn của gia đình, vợ con. Vợ tôi đã giúp tôi làm biển quảng cáo, con trai và con dâu thì giúp tôi mua bao bì”, ông Ánh tâm sự. Ông Trần Văn Thuần, 70 tuổi là anh trai của ông Ánh chia sẻ: mới đầu thấy em của tôi suốt ngày lúi húi đi nhặt rác trên các cánh đồng, tôi cũng thấy băn khoăn lắm. Nhưng rồi thấy hiệu quả, ý nghĩa từ công việc của chú ấy, dần dần chính tôi cũng bị thuyết phục. Tôi đã cùng em trai đi đặt làm biển quảng cáo về để treo. Từ khi có điểm tập kết rác thải, tình trạng vứt rác bừa bãi đã không còn xảy ra trên những cánh đồng. Là người trong xã với ông Ánh, anh Trần Công Biên ở xóm 2 thì cho biết: Do thiếu hiểu biết nên một số người dân trong xã khi đi phun thuốc trừ sâu tiện tay là vứt rác luôn ra bờ ruộng. Trước đây các kênh mương ở Mỹ Hà có khá nhiều các túi vỏ bao bì BVTV trôi nổi. Chúng tôi, đi làm xong, muốn xuống mương rửa cái tay, cái chân nhưng nhìn thấy thế có khi còn không dám xuống. Từ khi có ông Ánh đi thu gom rác thải, các kênh mương đã không còn tình trạng vứt rác bừa bãi xảy ra. Từ việc làm của ông, bản thân tôi và những người dân xung quanh cũng đã sửa đổi những thói quen xấu của mình, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Cũng từ đó, một số người trong xã từ việc coi ông “không bình thường” thì nay ai cũng hiểu, yêu quý ông hơn. 
 
Từ hiệu quả của mô hình thu gom rác, vỏ bao bì BVTV của ông Ánh, xã Mỹ Hà đã quyết định nhân rộng các điểm thu gom bao bì thuốc BVTV ra toàn xã góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trả lại cảnh quan sạch đẹp, thân thiện cho những cánh đồng, tạo thói quen, ý thức tốt cho nhân dân trong xã./.
 
Bài và ảnh: Văn Huỳnh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com