Khó khăn trong công tác tuyển sinh ở một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh

08:10, 05/10/2015
Cùng với tình trạng chung ở các trường đại học ngoài công lập và cao đẳng trên cả nước, đến nay dù đã kết thúc 3 đợt xét tuyển đại học năm 2015, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.
 
Trên thực tế tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay nhưng các trường vẫn cố gắng duy trì hoạt động một cách cầm chừng. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm nay khó khăn hơn, một phần là do Bộ GD và ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh. Việc cho kéo dài thời gian xét tuyển, gia hạn nhiều đợt… tưởng là tạo điều kiện cho các trường tốp dưới, các trường ngoài công lập nhưng thực ra các trường tốp trên, tốp giữa, các trường công lập tuyển sinh được tốt hơn, còn  các trường ngoài công lập càng thêm khó khăn. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, đến thời điểm này nhà trường tuyển được trên 100 chỉ tiêu trên tổng số 1.000 chỉ tiêu được giao. Hiện tại, trường đang tiếp tục tuyển sinh nhưng khả năng sẽ không tuyển đủ được chỉ tiêu vì trong số hồ sơ xét tuyển vẫn có nhiều hồ sơ ảo. Trong khi đó, nhà trường đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất và có nhiều giải pháp xây dựng, ổn định đội ngũ giảng viên. Thông qua nhiều mối quan hệ, trường đã mời được đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ và kinh nghiệm, từng giảng dạy nhiều năm tại các trường đại học Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân, Nông nghiệp… làm cán bộ cơ hữu quản lý trường, quản lý các khoa; hoặc ký hợp đồng dài hạn giảng dạy tại trường. Hiện, nhà trường đã hợp đồng với 27 giáo sư, tiến sĩ và hơn 130 giảng viên cơ hữu phần lớn có trình độ thạc sĩ. Về cơ sở vật chất, bên cạnh 2 tòa nhà 5 tầng gồm 100 phòng học, 8 phòng thí nghiệm, 400 máy tính, 10 phòng học chuyên đề, thư viện điện tử cùng tòa nhà 2 tầng phục vụ cho công tác quản lý, nhà trường tiếp tục đầu tư cho các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, đủ điều kiện cho sinh viên học tập gắn với thực tập, thí nghiệm theo yêu cầu của từng môn học, ngành học để nâng cao chất lượng đào tạo ở 3 hệ đào tạo gồm: 1 ngành đào tạo thạc sĩ, 7 ngành đào tạo đại học và 6 ngành đào tạo cao đẳng. Tuy nhiên, trong các năm 2012, 2013 nhà trường đã không tuyển được sinh viên nào; năm 2014 trường tuyển được 200 sinh viên hệ chính quy và 250 chỉ tiêu đào tạo cao học. Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn có một chỗ học cho con sau khi tốt nghiệp THPT nhưng lại sẵn sàng cho con em học ở những khoa, ngành không có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường ở các trường đại học công lập hoặc học ở trường cao đẳng, trung cấp công lập, học nghề sau đó tìm cách liên thông lên chứ không học đại học ngoài công lập như những năm trước. Vì vậy dù có nhiều cố gắng, việc tuyển sinh ở Trường Đại học Lương Thế Vinh đến nay vẫn gặp khó khăn.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nam Định trong một giờ thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nam Định trong một giờ thực hành.
Không riêng gì Trường Đại học Lương Thế Vinh, phần lớn các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh đang chật vật với công tác tuyển sinh. Lý giải về vấn đề này, đại diện một số trường cao đẳng cho biết, do năm nay có đến 5 đợt xét tuyển nên nhiều thí sinh vẫn cố gắng nộp hồ sơ vào các trường đại học; chỉ khi không còn cơ hội mới nghĩ đến việc nộp hồ sơ vào trường cao đẳng hay trung cấp. Việc phải chờ thí sinh cho đến đợt xét tuyển cuối cùng là ngày 20-11-2015 sẽ khiến các trường gặp khó khăn trong công tác đào tạo. Thêm một lý do nữa dẫn tới việc các trường cao đẳng gặp khó khăn trong tuyển sinh là nhiều trường đại học được Bộ GD và ĐT duyệt đề án tuyển sinh riêng với việc xét học bạ THPT. Năm nay, sau kỳ thi THPT quốc gia, khi thí sinh có kết quả thi thì Bộ GD và ĐT định mức điểm sàn đại học là 15, cao đẳng là 12. Những tưởng là các trường cao đẳng đã có một thị phần riêng là những thí sinh có điểm thi từ 12 đến dưới 15 điểm nhưng thực tế, nó không có giá trị bởi ngay cả thí sinh có kết quả thi dưới 12 điểm vẫn có thể trúng tuyển đại học bằng cách xét học bạ; mà đã xét học bạ thì hầu như thí sinh nào cũng trúng tuyển bởi điểm trong học bạ thường rất cao. Trong khi đó tâm lý xã hội vẫn thích có bằng đại học hơn là cao đẳng và đường vào đại học lại dễ dàng hơn so với trước kia. Thêm vào đó, học phí so sánh giữa trường đại học và cao đẳng ngoài công lập chênh lệch nhau không nhiều nên đa phần thí sinh vẫn chọn học đại học hơn là cao đẳng. Trường Cao đẳng nghề Nam Định là một trong những trường có chất lượng của tỉnh và đã được chọn để thực hiện xây dựng 3 nghề chất lượng cao gồm: Nghề Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Cơ điện tử, Công nghệ thông tin ở trình độ cao đẳng nghề. Đến nay, nhà trường đang tích cực triển khai các giải pháp để hoàn thiện các tiêu chuẩn nghề chất lượng cao, phấn đấu đến hết năm 2015 có đủ các điều kiện để tổ chức đào tạo thí điểm các nghề chất lượng cao theo quyết định của UBND tỉnh. Nhà trường có bề dày đào tạo nghề hơn 40 năm với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo cơ bản và đạt chuẩn giáo viên dạy nghề, trong đó nhiều người có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực cơ điện, thủy lợi và phát triển nông thôn. Đồng thời nhà trường đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và điều kiện phát triển nhà trường, trong đó tỉnh đã đầu tư dự án mở rộng trường khu II với diện tích trên 41 nghìn m2 để đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng với chuẩn của trường cao đẳng. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng và phát triển trường trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo hướng đa ngành, đa nghề, những năm qua nhà trường đã và đang thực hiện đào tạo ở 12 ngành, nghề và được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất. Với phương châm xây dựng chuẩn từng nghề một, nhà trường đã bám sát bộ tiêu chuẩn nghề chất lượng cao của UBND tỉnh để tập trung xây dựng các ngành nghề, trong đó có 3 nghề trọng điểm chất lượng cao, đào tạo ở ba cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Mặc dù vậy, công tác tuyển sinh của nhà trường cũng đang gặp nhiều khó khăn.
 
Ở nhiều nghề đào tạo hệ cao đẳng, nhiều năm chỉ có từ 21 đến 53 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm; ở 5 nghề đào tạo trung cấp mỗi năm cũng chỉ có từ 14 đến 40 học sinh tốt nghiệp ở mỗi nghề đào tạo. Với tình trạng chung trong tuyển sinh trong năm 2015 ở các trường cao đẳng, hiện nay có rất ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
 
Một số trường đại học ngoài công lập và các trường cao đẳng khó tuyển sinh không phải là vấn đề mới nảy sinh trong mùa tuyển sinh 2015 mà đã kéo dài từ vài năm nay. Tuy nhiên, ngoài giải pháp các trường tự nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo thì hiện các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả nào để tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh cho các nhà trường./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com