Chuyển biến trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở Giao Thủy

08:10, 27/10/2015
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân các xã ven biển huyện Giao Thủy còn có thêm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Do sản xuất phân tán nên trước đây công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ của huyện gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. 
CTV dân số xã Giao Xuân tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong xã.
CTV dân số xã Giao Xuân tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong xã.
Trước thực tế trên, Huyện ủy Giao Thủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về dân số; UBND huyện đã xây dựng đề án thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Đề án đề ra mục tiêu: Duy trì giảm sinh hằng năm 0,22%0, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên hằng năm 1-2%; từng bước nâng cao chất lượng dân số; từng bước giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phấn đấu đến năm 2015 là 105 cháu trai/100 cháu gái... Triển khai thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ huyện đã tổ chức hội nghị triển khai quán triệt nội dung đề án và các văn bản về chính sách dân số - KHHGĐ tới cán bộ chủ chốt, cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ của 22 xã, thị trấn, lãnh đạo các ngành, đoàn thể có liên quan. Tại các xã, thị trấn, đề án được triển khai đến các chi bộ cơ sở và phổ biến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Bên cạnh đó, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Đài Phát thanh huyện duy trì chuyên mục Dân số - KHHGĐ vào thứ 5 hằng tuần và đưa nhiều tin, bài nêu gương những cá nhân, tập thể thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ; phối hợp với Trung tâm VH-TT và DL huyện xây dựng pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền tại nơi tập trung đông dân cư; thường xuyên cung cấp tờ gấp, sách mỏng về KHHGĐ xuống cơ sở; tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện về dân số - KHHGĐ tại các xã, thị trấn theo từng chuyên đề như: CSSKSS/KHHGĐ, xây dựng gia đình bình đẳng - ấm no - hạnh phúc - tiến bộ, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng… Tại trung tâm còn mở lớp tư vấn cho các bà mẹ mang thai nhằm cung cấp kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Hằng năm, huyện tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ trên địa bàn toàn huyện. Các CLB “Phụ nữ vì sự bình yên tuyến biển”, “Tiền hôn nhân”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3” tổ chức sinh hoạt đều đặn, tuyên truyền, giáo dục cho hội viên và nhân dân những thông tin, kỹ năng thực hành các biện pháp KHHGĐ, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản… Đội ngũ cộng tác viên dân số và cán bộ các đoàn thể của xóm, đội tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số. Ngoài ra, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện còn tiếp nhận và triển khai hiệu quả một số mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh, Đề án tiền hôn nhân, Đề án kiểm soát và nâng cao chất lượng dân số vùng biển. Một số mô hình đặc thù vùng ven biển cũng được xây dựng và đưa vào hoạt động như: Mô hình chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ là công nhân các xí nghiệp muối, công nhân nông trường Bạch Long. Đặc biệt, mô hình “Tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho bộ đội, nhân dân khu vực biên phòng huyện Giao Thủy” triển khai từ năm 2014 đã đem lại hiệu quả tích cực. Trong khuôn khổ của mô hình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức khảo sát tại khu vực triển khai hoạt động để đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành về CSSKSS/KHHGĐ của người dân lao động tại vùng biển và ven biển. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung các hoạt động của mô hình để vận động sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và chủ sử dụng lao động trong việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng về CSSKSS/KHHGĐ. Tổ chức 6 đợt khám tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho người dân sinh sống, lao động trong môi trường biển. Cấp 40 nghìn tờ rơi, sách mỏng các loại tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho người dân lao động trên biển, sống trong môi trường biển. Thực hiện mô hình, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Giao Thủy đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Lạt, Trung tâm Y tế huyện, các cấp Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện tốt các nội dung hoạt động. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tiếp cận được với thông tin về mô hình, từ đó có sự ủng hộ chương trình Dân số - KHHGĐ nói chung và việc tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho đối tượng vùng Cồn Lu, Cồn Ngạn, Vườn quốc gia Xuân Thủy nói riêng: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nói chuyện chuyên đề; kẻ vẽ khẩu hiệu, pa nô, áp phích, cung cấp tờ rơi đến các đối tượng.
 
Nhờ thực hiện tốt các hoạt động của Đề án dân số giai đoạn 2011-2015, công tác Dân số - KHHGĐ của huyện Giao Thủy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh thô của huyện giảm từ 16,35%0 (năm 2011) xuống còn 15,83%0 (năm 2014). Toàn huyện hiện có 33.573 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 76,2%. Tỷ lệ người sinh con thứ 3 chỉ còn 15,4%... Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số; xây dựng các cơ chế của địa phương nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực đối với công tác Dân số - KHHGĐ./.
 
Bài và ảnh: Lam Hồng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com